Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht và người đồng cấp Slovakia Jaroslav Nad tại Bratislava, Slovakia, ngày 19/12. (Nguồn: Reuters) |
Theo thông báo tại Bratislava của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht và người đồng cấp Slovakia Jaroslav Nad, Berlin cam kết sẽ cung cấp vũ khí phòng không cho đối tác, trong đó có hệ thống phòng thủ tầm ngắn Mantis, dự kiến được triển khai ở phía Đông Slovakia, gần Ukraine.
Hệ thống này cũng sẽ giúp bảo vệ trung tâm đại tu phương tiện và vũ khí được xây dựng ở Michalovce, thị trấn chỉ cách biên giới Ukraine vài km. Dự kiến các vũ khí của Đức bị hao mòn hoặc hư hỏng trong cuộc xung đột ở Ukraine sẽ được sửa chữa tại trung tâm này.
Bộ trưởng Lambrecht hiện chưa cho biết cụ thể thông tin về việc triển khai hệ thống phòng thủ Mantis, đồng thời nói rằng một giải pháp sẽ nhanh chóng được đưa ra liên quan tới một số chi tiết kỹ thuật.
Vừa qua, phía Đức đã bàn giao chiếc đầu tiên trong số 15 xe tăng Leopard đã cam kết cho Slovakia. Lễ chuyển giao mang tính biểu tượng được tổ chức tại Bratislava dưới sự chứng kiến của bà Lambrecht và ông Jaroslav Nad.
Trước đó, Slovakia đã bàn giao 30 xe chiến đấu bộ binh BMP1 do Liên Xô sản xuất cho Ukraine như một phần của chương trình trao đổi giữa Đức và Slovakia.
Tập đoàn Rheinmetall có kế hoạch giao 14 xe tăng Leopard còn lại cho Slovakia vào cuối năm 2023. Các binh sĩ Slovakia đã được huấn luyện ở Đức để sử dụng các xe tăng này.
Cùng ngày, trong một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Đức tại Liên hợp quốc Antje Leendertse đã phát biểu chỉ trích việc Iran chuyển vũ khí cho Nga để Moscow và những vũ khí này đã xuất hiện trong xung đột tại Ukraine.
Truyền thông Đức dẫn lời bà Antje Leendertse nhấn mạnh các máy bay không người lái (UAV) của Iran đã "tạo thêm cơ hội cho Nga".
Đồng thời, Đại sứ Đức đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận lời mời của Kiev tiến hành điều tra thực địa về những bằng chứng liên quan vai trò của Iran trong cuộc xung đột ở nước này.
Liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran với việc Tehran tiếp tục làm giàu urani, bà Leendertse cho mạnh rằng chương trình hạt nhân của Iran đạt tiến bộ hơn bao giờ hết và đang trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.