EU tính toán gói trừng phạt theo từng bước đối với Nga. (Nguồn: CEPS) |
Một số nhà ngoại giao cho biết, lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga có thể thực hiện được sau cú đảo ngược chính sách của Đức, nước từng phản đối cho rằng điều này quá rắc rối và có khả năng gây tổn hại cho nền kinh tế Đức.
Theo nguồn tin, để xoa dịu những hoài nghi, EC sẽ đề xuất áp dụng lệnh cấm trên trong vòng từ 6-8 tháng, tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên có thời gian đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ.
Lệnh cấm trên vẫn cần sự nhất trí của các quốc gia thành viên EU để được thông qua. Tuy nhiên, Hungary dự kiến sẽ phản đối mạnh mẽ do nước này phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga và có mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin.
Các quốc gia khác cũng lo ngại lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga sẽ làm tăng giá cả, khi giá tiêu dùng đang tăng mạnh do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine.
EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Moscow - bao gồm lĩnh vực dầu mỏ của Nga, các ngân hàng Nga và Belarus, cũng như thêm nhiều cá nhân và doanh nghiệp liên quan.
Lệnh cấm vận dầu mỏ được coi là biện pháp trừng phạt quan trọng nhất trong gói trừng phạt thứ 6 này. Bên cạnh đó, gói cũng sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, vốn chiếm 37% hoạt động ngân hàng của Nga, và các biện pháp bổ sung với quan chức cấp cao của Nga.
Trước đó, các quan chức ngoại giao EU cho rằng, một số quốc gia thành viên có khả năng chấm dứt sử dụng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga muộn nhất là vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các nước khác, đặc biệt ở khu vực Nam Âu, lo ngại về tác động của lệnh cấm vận đối với giá năng lượng.
Đức - một trong những nước mua dầu mỏ nhiều nhất của Nga - dường như sẵn sàng chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm 2022, song các quốc gia khác như Áo, Hungary, Italy và Slovakia vẫn có sự e dè.