Đức ‘nổ phát súng đầu tiên’ sẵn sàng chuyển tài sản Nga cho Ukraine, phương Tây đồng lòng... vẫn còn chừa ‘vùng cấm’? (Nguồn: Getty Images) |
Reuters vừa đưa tin này dựa trên các nguồn tin riêng từ Bộ Tài chính Đức. Theo nguồn tin, “Nếu có một cơ chế khả thi về mặt pháp lý cho phép chúng tôi tận dụng tốt hơn các dòng tài chính từ tài sản bị phong tỏa của Nga trong tương lai, thì chúng tôi chắc chắn đã sẵn sàng để làm điều đó”.
Đồng thời, Đức khẳng định chỉ tịch thu thu nhập từ tài sản Nga bị phong tỏa chứ không phải số tài sản gốc.
Theo Bộ Tài chính Đức, một “vùng cấm” hiện vẫn đang được thiết lập - có nghĩa là các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, như quyền miễn trừ quốc gia vẫn được bảo tồn.
Ngoài ra, vào tuần tới vấn đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương thuộc Nhóm G7 ở Stresa (Italy), Ukraine cũng đã được mời tham dự.
Theo một báo cáo của Ukrinform, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước phương Tây đã phong tỏa tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga với tổng trị giá khoảng 260 tỷ EUR, trong đó gần 210 tỷ EUR bị phong tỏa trong kho lưu trữ ngân hàng của EU.
Dựa trên biến động lãi suất, số tiền tích lũy trên các tài sản này tại các tổ chức tài chính châu Âu có thể đã đạt tới 2,5 đến 3 tỷ EUR mỗi năm.
Ngày 12/2, EU đã thực hiện bước đầu tiên hướng tới việc quản lý và sử dụng số tiền này bằng cách bắt buộc tất cả các cơ quan lưu ký ở Trung Âu có hơn 1 triệu EUR tài sản Nga bị phong tỏa trong bảng cân đối kế toán phải mở các tài khoản riêng để tích lũy lợi nhuận bất thường, từ các khoản trên các quỹ này.
Theo đó, các nguồn tài sản được tích lũy theo cách này “được kết luận là không phải là tài sản của Nga, phải chịu thuế và sẽ được sử dụng vì lợi ích của Ukraine.
Theo thông tin công khai, Tổ chức Tài chính Euroclear ở Bỉ hiện giữ khối tài sản trị giá 192 tỷ EUR thuộc về Ngân hàng Trung ương Nga trên bảng cân đối kế toán. Riêng số tiền lãi tích lũy trên khối tài sản này đã lên tới 5 tỷ EUR trong hai năm qua.
EU vẫn đang tích cực tìm kiếm các cơ chế pháp lý để tiếp tục giải quyết các nguồn tài sản cố định này.
Ngày 21/5, Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua quyết định chính thức sử dụng số tiền thu được từ tài sản Nga bị phong tỏa, thuộc sở hữu của Ngân hàng trung ương Nga để hỗ trợ Ukraine.
Trên nền tảng truyền thông xã hội X, Bộ trưởng Ngoại giao CH. Czech Jan Lipavský nhắc lại việc các Đại sứ EU đã thông qua quyết định sử dụng tài sản cố định của Nga để hỗ trợ quá trình phục hồi và phòng thủ quân sự cho Ukraine, vào ngày 8/5.
Trước đó, ngày 17/5, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ tiết lộ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ thúc đẩy các quan chức tài chính và ngân hàng G7 trong cuộc họp tới, đồng ý với kế hoạch chuyển tiền lãi từ các tài sản Nga đang bị đóng băng để nhanh chóng cung cấp thêm tiền cho Ukraine.
“Chúng tôi đã có sự chấp thuận ở EU về việc sử dụng nguồn thu từ tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị phong tỏa để chuyển cho Ukraine. 3 tỷ EUR trong năm nay và 90% trong số này dành cho quân đội Ukraine. Đây là khoản tiền Nga phải bồi thường thiệt hại”, quan chức CH. Czech viết.
Theo vị quan chức này, G7 đang "đạt được tiến bộ" hướng tới sự đồng thuận về kế hoạch khai thác khoảng 300 tỷ USD tài sản có chủ quyền của Nga bị đóng băng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra từ 2/2022. Kể từ đó, Mỹ đã đề xuất kế hoạch rút tiền lãi từ tài sản Nga để cung cấp cho Ukraine - vào khoảng 50 tỷ USD trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trên thực tế, phản ứng từ các Bộ trưởng Tài chính G7 cho đến nay vẫn khá thận trọng. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, mọi đề xuất sử dụng tài sản bị Nga phong tỏa đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Bộ Kinh tế và tài chính Pháp cho biết trong một tuyên bố, "Pháp ủng hộ và chia sẻ thực tế rằng Ukraine cần nhiều nguồn lực hơn. Chúng tôi đã lưu ý đến đề xuất của Mỹ và chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau về mặt kỹ thuật ở cấp G7 và cấp châu Âu để xác định phương án tốt nhất".
Về phía Nga, động thái mới nhất là ngày hôm qua (23/5), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc xác định các tài sản của Mỹ, bao gồm cả chứng khoán, có thể được sử dụng để bồi thường cho những tổn thất do mọi hoạt động tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa ở Mỹ.
"Tài sản Mỹ tại Nga có thể bị tịch thu để bù đắp thiệt hại cho chính phủ hoặc ngân hàng trung ương Nga", theo nội dung sắc lệnh công bố trên Cổng thông tin chính phủ Nga.