Dự kiến sân bay Tegel sẽ ngừng hoạt động ngay sau khi sân bay quốc tế mới Berlin Brandenburg khánh thành vào mùa Thu năm 2020.
Khi đó khu vực phi trường Tegel sẽ được quy hoạch chuyển đổi trở thành một khu mới mang tên Berlin TXL. Được biết, đây sẽ là đại dự án phức hợp nhà ở, công viên, trung tâm nghiên cứu khoa học, các nhà máy, với địa thế thuận lợi khi chỉ nằm cách trung tâm chưa đến 4 km.
Thiết kế độc đáo của sân bay nhìn từ trên cao. (Nguồn: New York Times) |
Ông Kai Mende, Giám đốc điều hành Tập đoàn Bất động sản CBRE chi nhánh Berlin cho biết: “Thách thức lớn nhất của thành phố chính là thiếu không gian cho các công trình văn phòng hoặc khu dân cư mới. Quỹ đất trống giành cho khối văn phòng tại Berlin luôn dưới mức thấp nhất so với bất kỳ thành phố lớn nào của Đức. Dự án Tegel mới hứa hẹn mang nhiều ý nghĩa và giải quyết được nhiều vấn đề thiết thực đối với Berlin.
Dự án chuyển đổi nhà ga Tegel dự kiến khởi động vào mùa Xuân năm 2021, trong vòng sáu tháng sau khi sân bay cũ đóng cửa và hoàn thành trước năm 2040 và tiêu tốn khoảng vài tỷ USD. Theo như kế hoạch, Nhà ga A sẽ được chuyển đổi để xây dựng Đại học Khoa học Ứng dụng Beuth với quy mô lên tới 2.500 sinh viên. Bên cạnh đó Học viện Cứu Hộ và Phòng Cháy chữa cháy của Berlin cũng sẽ chuyển về cơ sở mới đặt tại đây.
Các nhà ga khu C và D sẽ trở thành nơi gặp gỡ và không gian làm việc cho các công ty sản xuất và các doanh nghiệp khởi nghiệp khởi động các dự án tập trung vào công nghệ đô thị. Philipp Bouteiller, Giám đốc điều hành của Dự án Tegel cho biết, ý tưởng này là nhằm đến mục tiêu bao quát toàn bộ chuỗi giá trị trong tương lai. Các chuyên gia nhận định, dự án Berlin TXL sẽ mang lại cơ hội việc làm cho hơn 20.000 lao động và tạo ra giá trị gia tăng hàng năm khoảng 2,2 tỷ Euro.
Trong những năm gần đây, Berlin đã nổi lên như một trung tâm công nghệ của Đức khi các gã khổng lồ như Amazon và Wayfair lần lượt đầu tư và thành lập chi nhánh ở đây. Bên cạnh đó, sự phát triển của các các doanh nghiệp start-up địa phương và cả nước ngoài tạo ra một thị trường cạnh tranh và khá sôi động.
Lý do giúp Berlin thu hút rất giới khởi nghiệp là chi phí sinh hoạt và văn phòng thấp so với nhiều thành phố khác của Đức và châu Âu. Ở đó các doanh nghiệp có thể sử dụng nhân tài từ khắp châu Âu mà không phải quan ngại về vấn đề thị thực.
Ban đầu, khu vực Tegel sử dụng cho các hoạt động thử nghiệm tên lửa trong Thế chiến II. Đến năm 1948, nước Đức quyết định xây dựng gấp rút một sân bay trong vòng 90 ngày phục vụ cho chiến dịch Cầu Không Vận Berlin nhằm hỗ trợ lực lượng Đồng minh chuyển hàng trực tiếp đến bên kia bờ Tây bức tường Berlin, phá vỡ thế phong tỏa của quân Liên Xô trong thời điểm đó.
Sân bay Tegel sẽ đóng cửa và chuyển đổi thành khu phức hợp dân cư ngay khi sân bay mới vận hành vào cuối năm sau. (Nguồn: New York Times) |
Berlin TXL là một trong những dự án cải tạo và chuyển đổi sân bay lớn nhất, nhưng không phải là dự án đầu tiên ở Đức. Tuy nhiên sự thành công của dự án Berlin TXL vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết triệt để, trước mắt là thời gian khởi công sẽ phụ thuộc vào sân bay mới. Bên cạnh đó, cần phải cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông ở khu vực này. Câu hỏi nan giải nhất là liệu các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế có chấp nhận đánh cược công việc làm ăn của họ khi chuyển đổi sang một địa điểm mới.