Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và người đồng cấp Đức Baerbock trong cuộc họp báo ngày 7/2 ở Kiev. |
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Baerbock nhấn mạnh, Ukraine có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Đức.
Bà khẳng định, trong tình huống khó khăn hiện nay, sức mạnh to lớn mà hai bên có được chính là sự đoàn kết. Nước Đức ủng hộ mạnh mẽ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Hiện tại, theo người đứng đầu ngành ngoại giao Đức, việc giải quyết căng thẳng như thế nào là tùy thuộc vào Moscow; các kênh đàm phán với Nga đã được mở rộng. Tuy nhiên, trong trường hợp Nga tiếp tục gây hấn, nước Đức sẽ phản ứng bằng “sự thống nhất và cứng rắn”.
Mặc dù bác bỏ những đồn đoán về hành động tiếp theo của Nga ở biên giới với Ukraine, bà Baerbock cho biết, một số biện pháp trừng phạt đã được chuẩn bị và được tất cả các đối tác tại Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhất trí.
Nước Đức và các đối tác đã chuẩn bị cho những “kịch bản khác nhau” và “sẵn sàng trả một mức giá cao về kinh tế cho an ninh của Ukraine”.
Cùng ngày, trên kênh truyền hình Phoenix, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức Robert Habek cho hay, Berlin mong muốn có một giải pháp ngoại giao giải quyết cuộc xung đột liên quan Ukraine.
Tuy vậy, "trong trường hợp xâm lược quân sự, tất cả các phương án trừng phạt sẽ được thảo luận”.
Phó Thủ tướng Đức nói thêm, bản thân từ “tất cả” đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa và ông không muốn suy đoán thêm về chủ đề này.
Thời gian gần đây, các nước phương Tây, cũng như Kiev nhiều lần tuyên bố về khả năng Nga tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi những thông tin này là trống rỗng và là sự leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời khẳng định Moscow không gây ra mối đe dọa cho bất cứ quốc gia nào.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở sườn phía Đông của NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết, Berlin quyết định điều động thêm 350 binh sĩ đến Cộng hòa Lithuania ở khu vực Baltic. Số binh sĩ bổ sung này “có thể được triển khai trong vòng vài ngày tới”.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Lambrecht cho biết, Đức đang tăng cường lực lượng ở sườn phía Đông của NATO và gửi tín hiệu rõ ràng về quyết tâm của Berlin trong việc sát cánh cùng các đồng minh.
Theo bà, thông điệp mà Đức muốn gửi đến các đồng minh là: “Các bạn có thể tin tưởng vào chúng tôi”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho hay, trong số 350 binh sĩ mới bổ sung, 250 binh sĩ sẽ đến từ các đơn vị chiến đấu của quân đội và 100 người còn lại được điều động từ các đơn vị khác.
Nói về quyết định điều động trên, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Tobias Lindner cho rằng, không thể coi động thái này của Berlin là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nga. Trên thực tế, quân đội Đức trước đây từng bố trí 800 tới 1.000 binh sĩ đồn trú tại các nước Baltic.
Ông cho rằng, nguyên tắc luân chuyển quân của NATO cần được tuân thủ; không một đơn vị nào được đóng quân lâu dài ở Lithuania hay bất kỳ quốc gia Baltic nào khác.
| Tin thế giới 7/2: Nga nói gì về chuyến thăm của Tổng thống Pháp? Belarus cảnh cáo Ukraine; Nhật Bản 'nhập cuộc' đối đầu Nga Thượng đỉnh Nga-Pháp, căng thẳng Nga-Ukraine, quan hệ Nga-Nhật Bản, Tổng thống Belarus cảnh báo Ukraine, tình hình Myanmar, vấn đề Triều Tiên, Thượng đỉnh ... |
| Thủ tướng Đức thăm Mỹ: Tỏ tin cậy nhau, gửi thông điệp tới Nga; Tổng thống Biden cảnh báo 'động tay' với Dòng chảy phương Bắc 2 Đêm 7/2 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng trong ... |