📞

Đức 'siết’ tiêu chuẩn chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sẽ ứng phó như thế nào?

Hoàng Hoa 08:00 | 23/07/2022
Luật về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng (LkSG) của Đức thông qua hồi tháng 6/2021 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2023, trong đó có những tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Đức.
Các chuyên gia chia sẻ về Luật LkSG của Đức tại sự kiện. (Nguồn: ĐSQ Đức tại Hà Nội)

Vừa qua, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đã phối hợp cùng với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO),Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo giới thiệu về Luật của Đức về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và những tác động của nó đối với các doanh nghiệp Việt Nam là một phần trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Đức.

Sự kiện có sự tham dự của đại diện của các Bộ chuyên ngành, giới kinh tế, các hiệp hội của bên sử dụng lao động và của người lao động, các tổ chức của Liên hiệp quốc và giới khoa học.

Mục tiêu của Đạo luật này là từ năm 2023 cải thiện công tác bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em, cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường. Chống phân biệt đối xử, trả lương đủ sống và thời gian làm việc đúng mức cũng là trọng tâm của Đạo luật.

Đạo luật cũng yêu cầu các doanh nghiệp Đức xây dựng một cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả và phù hợp cho các chuỗi cung ứng của mình và lồng ghép cơ chế đó vào tất cả những chu trình sản xuất, kinh doanh quan trọng.

Quản lý rủi ro được coi là có hiệu quả, nếu nhận biết, phòng ngừa, giảm thiểu hoặc chấm dứt được những rủi ro đối với các quyền con người và môi trường.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng có thể bị tác động gián tiếp, nếu là một phần của chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp Đức. Vì vậy, doanh nghiệp cần chú trọng đến Luật nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Hội thảo đã giới thiệu về nội dung của Luật, bối cảnh của Luật; trao đổi với các doanh nghiệp và hiệp hội từ các ngành, lĩnh vực khác nhau về những kinh nghiệm và mong muốn đối với việc quản lý bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hội thảo cũng đã nhấn mạnh những chương trình hỗ trợ và trợ giúp đa dạng của các tổ chức hợp tác quốc tế như ILO, GIZ và UNDP về việc kiến tạo hoạt động doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng ở Việt Nam thân thiện với môi trường và xã hội.

TS. Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam nhấn mạnh: "Luật nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng tạo ra cho Việt Nam cơ hội về lợi thế địa điểm trên thị trường thế giới. Như thế những đạo luật mạnh mẽ về môi trường và lao động và việc thực thi hiệu quả hơn nữa có thể trở thành một lợi thế địa điểm của Việt Nam, chứ không còn chỉ là chi phí sản xuất thuận lợi nữa. Điều đó cũng cải thiện tình trạng của người lao động và môi trường ở Việt Nam".

(theo ĐSQ Đức tại Hà Nội)