Nhỏ Bình thường Lớn

Lòng tôi hằng yêu nước Nga

Đó là tâm sự của PGS Tiến sĩ Lê Thanh Bình qua ca khúc Nước Nga, Mùa Xuân và Cuộc đời mà ông là tác giả. Là người có nhiều năm gắn bó với quê hương của tiếng đàn Balalaika, ông hiện là tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy.

Chào PGS.TS Lê Thanh Bình. Xin ông cho biết, điều gì khiến ông sáng tác nên ca khúc Nước Nga, mùa xuân và cuộc đời?

Tôi viết bài hát này vào đầu Xuân năm 1985 khi đang học năm thứ 5 tại Khoa Báo chí, Đại học Lomonosov (Nga). 6 năm học tập ở Nga mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm cũng như cảm hứng sáng tác về con người, thiên nhiên nước Nga.

Thời tiết ở Nga có 4 mùa rõ rệt và mùa nào cũng có cái đẹp riêng của nó. Vào những ngày Lễ hay kỳ nghỉ, chúng tôi tranh thủ tham quan các thành phố ở Nga. Khi đi thực tập, đến chơi nhà bạn bè, thầy cô người Nga, cảm nhận được tấm lòng trung hậu, nhân văn của người Nga, những cảm xúc sáng tác trong tôi được tích tụ dần và đầy mãi lên, phải thể hiện ra bằng một hình thức sáng tạo nào đấy. Ca khúc của tôi ra đời vì lẽ đó.

Ông viết ca khúc này trong bối cảnh nào?

Trước đây, khi còn trong quân ngũ, tôi đã tự học nhạc và thỉnh thoảng có sáng tác vài bài thơ rồi tự phổ nhạc thành một số ca khúc. Đến mùa Xuân 1985, tôi có một bài báo cùng 6 tấm ảnh được đăng trên ấn phẩm của Hãng Thông tấn Tin tức khi tôi kết thúc kỳ thực tập cuối. Cũng trong thời gian đó, anh bạn cùng khóa là Andrrey Iaoshin (người Moscow) mời về nhà chơi và sau đó đi thăm nhà nghỉ của gia đình anh. Trong chuyến đi đó, tôi được xem những người làm gốm Nga vừa hát dân ca vừa nung gốm. Khung cảnh này đã tạo cảm hứng cho tôi rất nhiều.

Sau chuyến đi, tôi lại được Khoa Dự bị, Đại học Lomonosov mời đến nói chuyện về bức tranh khắc thi hào Pushkin mà tôi đã khắc tặng Khoa trước khi vào học (hiện vẫn treo tại Khoa Dự bị)… Thật tình cờ là ở cùng ký túc xá tôi lại có một đồng hương tên là Sơn từng học Nhạc viện Hà Nội. Khi niềm cảm hứng sáng tác dâng trào, tôi đã chia sẻ với Sơn ý định viết ca khúc về nước Nga. Cậu ấy đã khích lệ tôi: "Anh viết đi, tôi sẽ hát cho anh nghe!". Thế là tôi bắt đầu sáng tác ca khúc Nước Nga, mùa Xuân và cuộc đời hoàn toàn bằng tiếng Nga...

Kỷ niệm đáng nhớ của ông sau khi ca khúc ra đời là gì?

Đó chính là những lần biểu diễn của Sơn và các bạn người Nga của tôi. Lần đầu tiên, Sơn vừa trình diễn vừa tự đệm guitar rất hay và chỉ có ba người nghe là Sơn, tôi và anh Nguyễn Đức Việt (bạn đồng môn). Lần thứ hai, chúng tôi được chị Lada, một sinh viên Nga mời về nhà chơi. Sơn đã hát cho gia đình chị ấy nghe. Mọi người xúc động lắm. Đó là một đêm Xuân tuyết rơi nhiều. Trắng cửa sổ là những bông hoa tuyết. Bên ngoài, trời sao lấp lánh. Cả gia đình chị Lada say sưa lắng nghe và đề nghị anh Sơn hát đi hát lại mấy lần.

Các bạn bè người Nga đều thích và thường tự đệm đàn hát bài này khi chúng tôi có dịp tụ họp với nhau. Sau này, khi tôi về nước, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thu âm ca khúc này của tôi và gửi tới thính giả cả nước.

Thông điệp mà ông muốn gửi tới người nghe qua ca khúc này?

Mùa Xuân là khởi đầu của một năm và nó tượng trưng cho cái mới mẻ, sự tươi trẻ và niềm hy vọng. Dù nói về mùa Xuân nước Nga nhưng thật gần gũi do quan hệ hai nước có từ lâu đời, thân thiết với nhiều thế hệ người Việt, nên câu đâu đầu là: "Nước Nga Xuân đến yêu thương". Đặc biệt, thông điệp cuối bài hát có nghĩa là chúng tôi mãi trông đợi, hy vọng vào cuộc đời nói chung, thế giới nói chung và nước Nga nói riêng sẽ tươi đẹp, phồn vinh: "Mùa xuân cho tôi ước mơ. Xuân mang tương lai sáng ngời". Lời nhắn kết bài bật lên từ sâu thẳm tâm hồn đã thể hiện rất rõ thông điệp ấy: "Lời ca tôi bay khắp trời. Lòng tôi hằng yêu nước Nga".

Xin cảm ơn ông!

P.V