📞

Đức với vaccine Covid-19: Kẻ dùng không hết, người lần chẳng ra

MỘC LAN 07:53 | 02/08/2021
Ngày càng có nhiều trung tâm tiêm chủng, phòng khám ở Đức đang phải vật lộn để sử dụng vaccine Covid-19 trước khi hết hạn. Chính phủ liên bang đang tăng tốc ngoại giao vaccine nhằm chia sẻ với các quốc gia đang thiết hụt.
Một trung tâm lưu trữ vaccine Covid-19 ở bang Saxony-Anhalt. (Nguồn: Spiegel)

“Đau đầu” vì thừa vaccine Covid-19

Các nhà chức trách liên bang Đức đang ráo riết tìm kiếm các phương án lưu trữ hoặc tìm cách thu gom những liều vaccine không dùng đến ở các bang để viện trợ cho các nước khác.

Tình thế ở Đức đang hoàn toàn đảo ngược so với năm 2020. Thời điểm năm trước, Đức tìm cách xây dựng các cơ sở sản xuất vaccinecàng sớm càng tốt thì hiện nay, nước này đang thúc đẩy việc thiết lập các kho lưu trữ vaccine thừa.

Thực tế là Đức đang có quá nhiều vaccine dư thừa và hiện không đủ chỗ lưu trữ trong thời gian dài.

Thực ra, chỉ mấy tuần trước, tình hình khác xa hiện tại. Thời điểm đó, đối với nhiều người Đức, việc nhận được một cuộc hẹn tiêm chủng được ví như trúng số.

Giờ đây, các trung tâm tiêm chủng đang tìm cách kêu gọi người dân đến tiêm chủng. Các tủ lạnh ở các trung tâm khám chữa bệnh đang tràn ngập vaccine chưa sử dụng. Vaccine thì đủ loại, không chỉ có AstraZeneca, Johnson & Johnson mà còn cả các loại vaccine mRNA của BioNTech và Moderna.

EU đang trên đà đạt được mục tiêu tiêm có ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm phòng đầy đủ vào cuối mùa Hè này. Hiện Cơ quan Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng cho 4 loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson. Hồi tháng 5, EU cho biết vào cuối tháng 9 sẽ có thể nhận được hơn một tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 từ 4 hãng dược phẩm này.

Một số bang của Đức đã thẳng thắn yêu cầu chính phủ liên bang ngừng gửi vaccine vì họ không còn kho chứa. Nhiều liều vaccine AstraZeneca quá hạn sử dụng hoặc sắp hết hạn chỉ trong những ngày tới.

Trước thực tế đó, Bộ Y tế liên bang quyết định, từ giữa tháng 8, vaccine sẽ không còn được phân phối đến các tiểu bang theo"công thức" dựa trên dân số, mà chỉ được giao khi có yêu cầu.

Điều này cũng dễ hiểu khi nhiều bang không đủ điều kiện cơ sở vật chất để lưu trữ do vaccine mRNA phải được bảo quản lạnh bằng thiết bị đặc biệt, ở nhiệt độ âm 70 độ C (âm 94 độ F). Hiện các loại vaccine mRNA chỉ được lưu trữ trong một nhà kho trung tâm do chính quyền liên bang quản lý.

Một vấn đề khác nữa là hiện số người Đức phản đối tiêm chủng vaccine Covid-19 đang tăng. Nhiều người đưa ra lý do lo sợ tác dụng phụ, một số khác viện dẫn vấn đề tự do cá nhân, cho rằng việc chọn tiêm hay không do họ quyết định.

Tỷ lệ người đi tiêm chủng của Đức đang giảm cũng gây ra nhiều luồng tranh cãi ở quốc gia châu Âu này. Nhà báo Astrid Prange de Oliveira bình luận trên tờ DW: “Thật tồi tệ khi việc tiêu hủy vaccine đang tiêu tốn rất nhiều tiền thuế của người dân, nhưng điều đáng buồn hơn là một số người vẫn hoài nghi đối với vaccine. Điều này khiến Đức ngày càng khó đạt được mục tiêu miễn dịch cộng động – mục đích của chiến dịch tiêm chủng”.

Tăng tốc ngoại giao vaccine

Vào đầu tháng 7, Đức đã quyết định tài trợ ít nhất 30 triệu liều vaccine AstraZenaca và Johnson & Johnson cho các quốc gia khác, trong đó các nước đang phát triển được hưởng lợi hàng đầu.

Trong số đó, Đức dự định tặng ít nhất 80% liều thông qua sáng kiến COVAX, 20% sẽ dành trực tiếp cho các quốc gia khác thông qua cơ chế song phương, đặc biệt là các nước Balkan phía Tây, bao gồm Ukraine, Moldova, Belarus, Armenia, Azerbaijan và Namibia.

Chi tiết và số lượng vaccine dành cho các quốc gia đang được thương lượng, nhưng điều chắc chắc là sẽ được tiến hành sớm.

Đức dự định tặng ít nhất 80% liều vaccine Covid-19 thông qua sáng kiến COVAX. (Nguồn: DW)

Theo khảo sát của tờ Der Spiegel, hiện ở các bang của Đức, hàng nghìn liều AstraZeneca có thể bị vứt bỏ trong những ngày tới vì sắp hết hạn.

Tuy nhiên, việc tặng vaccine dư thừa không đơn giản về mặt pháp lý. Bộ Y tế liên bang Đức giải thích, các tiểu bang và phòng khám không thể tặng vaccine một cách độc lập, bởi vì việc này phải thông qua chính phủ liên bang.

Đại diện Bộ Y tế liên bang Đức trả lời tờ DW: "Các cơ quan y tế, thành phố tự trị và các tiểu bang không được phép tặng vaccine Covid-19 do Bộ Y tế phân phối cho các quốc gia hoặc dự án khác. Chỉ chính phủ liên bang mới có thẩm quyền thực hiện việc này".

Bộ Y tế Đức hiện đang tổ chức thu thập vaccine thừa từ các bang với điều kiện: các lọ thuốc phải còn hạn sử dụng ít nhất là hai tháng.

Hiện hơn 61% dân số Đức đã được tiêm một liều vaccine Covid-19, trong đó 51% dân số hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Do số lượng ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng nhanh chóng, các quan chức y tế Đức ủng hộ việc tiêm chủng cho tất cả trẻ em từ 12 tuổi trở lên và tính đến việc tiêm liều thứ ba cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Bà Ute Teichert, Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ công ở Đức cho rằng, cần tiêm chủng với cả nhóm ít tuổi khi vaccine đã được thử nghiệm, kiểm tra và chấp thuận ở nhiều quốc gia.

Theo số liệu của Hiệp hội phòng thí nhiệm y tế (ALM), tỷ lệ nhiễm biến thể Delta ở Đức dựa trên kết quả xét nghiệm PCR dương tính hiện vào khoảng 89%.

Hiện các ca nhiễm Covid-19 ở Đức đang gia tăng. Ngày Chủ Nhật (1/8), Viện Dịch tễ Đức Robert Koch (RKI) ghi nhận 2.097 ca nhiễm- nhiều hơn 710 trường hợp so với Chủ Nhật trước đó.

Ngày 29/7, Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Matshidiso Moeti cho biết, cơ quan này đã tăng cường hoạt động phân phối vaccine ngừa Covid-19 cho châu Phi.

Đến nay 79 triệu liều vaccine Covid-19 đã tới châu Phi và 21 triệu dân (chiếm 1,6% dân số) của châu lục này đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Châu Phi cần 820 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho 30% dân số châu lục cho đến cuối năm 2021. Trong một tuyên bố, bà Moeti nêu rõ: “Tôi kêu gọi tất cả những nước dư thừa vaccine hãy chia sẻ thêm (cho các nước khác) trên tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau và cũng là vì lợi ích của chính mình vì không một nước nào được an toàn cho đến khi tất cả các nước được an toàn”.