Nhận dạng cảm nhiệt
Chứng cảm nhiệt, hay còn gọi là đột quỵ nhiệt, được nhận dạng qua tình trạng thân nhiệt tăng cao, cùng các biểu hiện liên quan đến thần kinh (như mất ý thức), bị sốc, các triệu chứng ngoài da (cháy da, lưỡi khô) và các rối loạn về tiêu hóa (như buồn nôn, tiêu chảy). Người cao tuổi và trẻ nhỏ rất dễ rơi vào tình trạng này khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Khi bị cảm nhiệt, nhiệt độ cơ thể có thể vượt quá 40°C và khó điều chỉnh thân nhiệt bằng các biện pháp sơ cứu tại chỗ.
Chứng cảm nhiệt được phân biệt thành hai loại là say nóng và say nắng. Say nóng là hậu quả của việc tiếp xúc quá lâu hoặc quá nhiều với môi trường có nhiệt độ cao, như trong một chiếc xe đang tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, dưới mái tôn giữa trưa hè hoặc trong một quá trình hoạt động thể lực cường độ cao. Còn say nắng là hậu quả của việc tiếp xúc với ánh nắng quá lâu.
Các dấu hiệu của cảm nhiệt có thể thay đổi: Đôi khi sẽ là hiện tượng thở gấp, hoa mắt chóng mặt hoặc có thể là những hành vi bất thường sau khi tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao trong thời gian quá lâu. Khi bị cảm nhiệt, bệnh nhân sẽ không toát mồ hôi nữa mà có dấu hiệu như bị chuột rút, mặt đỏ, nhức đầu, rất khát nước, cơ thể trở nên nóng và khô. Nếu ở tình trạng nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ cảm thấy buồn nôn, nhức mỏi cơ bắp và ngất xỉu. Khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 40,5°C, nguy cơ tử vong là rất cao.
Sơ cứu và phòng tránh
Kinh nghiệm cần ghi nhớ đầu tiên là không nên xem nhẹ chứng cảm nhiệt bởi nó có thể trở nên nghiêm trọng. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh cảm nhiệt có thể gây rối loạn thần kinh, tổn thương tim hoặc thận, hôn mê và tử vong.
Khi rơi vào một trong hai tình trạng cảm nhiệt (say nắng hoặc say nóng), bệnh nhân phải được sơ cứu kịp thời để hạ nhiệt cơ thể như tắm qua bằng nước nguội để giảm nhiệt độ cơ thể. Nếu không có điều kiện tắm cho bệnh nhân, hãy làm ẩm quần áo họ đang mặc. Quan trọng nhất là da bệnh nhân phải được làm ẩm liên tục để nước bốc hơi khi tiếp xúc với cơ thể. Bệnh nhân cần được uống nước đều đặn, đặc biệt là nước có muối khoáng (nước khoáng có ga).
Trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện bất thường như mắt trũng, lưỡi và môi khô hoặc bất tỉnh, hãy để người bệnh nằm tư thế ngửa, ở nơi thoáng mát và gọi xe cấp cứu. Đối với trẻ sơ sinh, khi trẻ khóc nhiều, lưỡi và da bị khô cần phải lập tức đưa đến bệnh viện.
Cách phòng tránh cảm nhiệt tốt nhất là phải giữ ẩm cho cơ thể một cách thường xuyên, ngay cả khi bạn không cảm thấy khát nước, đặc biệt là đối với người già và trẻ sơ sinh, bởi cơ thể họ rất dễ bị mất nước.
Vào những ngày nắng nóng, bạn nên hạn chế sử dụng cà phê, trà và nước sô-đa vì chúng thúc đẩy bài tiết nước tiểu, khiến cơ thể mất nhiều nước hơn. Uống bia lạnh có thể cho bạn cảm thấy đỡ khát tạm thời, nhưng loại đồ uống có cồn này cũng góp phần gây ra tình trạng mất nước của cơ thể.
Những người không có thói quen uống nhiều nước thì nên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều nước như sữa chua, hoa quả (dưa hấu, dưa vàng, đào, mận) hoặc các loại rau quả (dưa chuột, cà chua). Ngoài ra, trong những ngày nắng nóng, bạn hãy cố gắng ăn uống đầy đủ để cung cấp chất dinh dưỡng và các khoáng chất cho cơ thể.
Mùa hè, bạn nên mặc quần áo rộng rãi, chất liệu mát và màu sắc sáng để tránh hấp thụ nhiệt từ môi trường. Quần áo bằng vải cotton sẽ giúp thấm mồ hôi và giúp cho da thở dễ dàng hơn. Nếu có điều kiện, bạn hãy tắm nhanh nhiều lần trong ngày để làn da được làm ẩm thường xuyên, đặc biệt là da mặt và cánh tay, chân.
Nếu đi ra ngoài, bạn nên đội mũ rộng vành hoặc mũ lưỡi trai để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng Mặt trời. Nếu bạn có dấu hiệu chóng mặt khi đang làm việc ngoài trời, đừng tham công tiếc việc, hãy dừng công việc đó lại và vào bóng râm để nghỉ ngơi.
Thuỷ Tiên (tổng hợp)