Ấy là nói kiểu người già, chứ tụi trẻ khoái “Dậu” vì đó là món ăn ngon “truyền thống”. Nếu các bậc già cả bề trên quý “thủ gà, má lợn” thì chúng con chỉ thích “đùi gà”. Còn với tụi nhỏ, cháu chắt, rất chi tốn tiền vào món KFC, cho dù hơi nhiều dầu và không thơm như thịt gà ri - món cực khoái khẩu gà ta!
Trong ca dao tục ngữ Việt Nam, con Gà được nhắc đến liên tục, lúc thì ca ngợi hết lời như thần gọi Mặt Trời, khi thì phê phán “viết như gà bới”… Trong tranh dân gian, chú gà trống oai hùng là biểu tượng làm chủ cuộc đời, gọi Mặt trời dậy, năm canh điểm bằng tiếng gáy của gà, nàng gà mái thì được chọn là biểu tượng của sự tần tảo chăm bẵm con thơ, nấp vào bụng mẹ là gà con an lòng không sợ lũ diều hâu, quạ ác.
Ấy nhưng mà, phải 60 năm mới lại có một năm Đinh Dậu. Vì thế, tuy rất nhiều người tuổi Dậu, nhưng không có nhiều người tuổi Đinh Dậu trong hàng “Tứ Quý - Đinh, Nhâm, Quý, Giáp”. Nhiều người tuổi này phải lo mưu sinh vất vả, nhưng không hiếm người tuổi Đinh Dậu giàu có, chức cao, quyền quý, tài năng hơn người.
Nói đôi điều như vậy để thấy không hề mê tín dị đoan, không phải người thành đạt là chỉ ngồi trông chờ tướng số. Có một điều đơn giản nhưng ít khi được để ý, đó là: Trứng gà bị vỡ do tác động từ bên ngoài thì đó là đồ ăn, bị vỡ do tác động từ bên trong thì chính là sinh mệnh. Cuộc sống cũng vậy, làm vỡ từ bên ngoài là áp lực, làm vỡ từ bên trong chính là trưởng thành.
Nếu bạn chờ người khác làm vỡ bạn từ bên ngoài, nhất định bạn sẽ là món ăn của người khác. Nếu bạn có thể tự đánh vỡ chính mình từ bên trong, như vậy bạn sẽ thấy rằng mình đã thực sự trưởng thành, cũng giống như là được tái sinh.
Gà rất nhanh trưởng thành và ngay tuổi ấu thơ đã đầy nghị lực. Vào ngày đẹp trời, nó tự đập vỡ vỏ trứng và chui ra với nhúm lông tơ vàng óng vô cùng mịn màng. Chỉ mấy ngày sau, nó đã biết theo mẹ đi kiếm ăn, cho dù còn ngây ngô, chí chóe giằng nhau một con giun đất đã chết, nhưng nó – dòng giống nhà gà không há mồm chờ mớm như lũ chim non.
Cho dù mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng phải nói: 18 năm đầu đời của một kiếp người, con người vẫn chưa phải đã là trưởng thành. Phải mất hàng trăm triệu năm để biến con thú thành con người, nhưng đôi khi chỉ vài triệu đồng bạc đã biến con người trở thành con thú?
Trong muôn loài trên Trái đất, gà là một trong giống loài cao quý! Những rổ trứng gà con so là nguồn dinh dưỡng quý báu cho các bà mẹ mang bầu, cho người già ốm muốn nhanh khỏi cảm cúm khi có cháo phải cần thêm trứng (không nên dùng trứng vịt hay trứng đà điểu, chỉ trứng gà ri nhỏ hồng mới quý). Mâm cỗ cúng cần có con gà, ngậm hoa hồng hay không ngậm gì cũng được. Trong bữa cỗ mới có món thịt gà. Nếu ai đó hoang phí, ngày nào cũng cơm gà cá gỏi thì không còn được thưởng thức hương vị đặc thù của món gà này, chỉ còn là bã và khô – thần Gà đã bỏ đi rồi!
Không có sừng như bò tót, không dữ dội như sư tử, nhưng gà cũng đấu tranh khốc liệt để “làm bá chủ” một vùng. Chúng chọi nhau chí tử thừa sống thiếu chết để tự hào chiến thắng đứng trên nóc đống rơm hay ngọn hàng rào ưỡn ngực gióng lên một hồi oai vệ: Ò, ó o, o, o,…
Chẳng hiểu tự bao giờ, tiếng gà gáy đã thay đồng hồ. Chẳng biết tự khi nào mà một con khàn khàn cất tiếng là cả chú trống choai cũng rướn cổ hòa đồng. Tiếng gà râm ran làm miền quê bớt tẻ nhạt, heo hút. Chỉ có miền quê êm đềm tha thiết mới thấm sâu ý nghĩa tiếng gáy của gà. Chỉ có đêm trăng thanh vắng với gió ngoài đồng se lạnh hơi sương mới cảm được nồng ấm sức sống trong tiếng gà eo óc canh thâu.
Thật oan uổng khi ai đó nói “Thời nay thạc sĩ, tiến sĩ như gà con, lợn con..”. Nhưng ai đó lại không ngoảnh lại xem mình, con cái mình đã đứa nào được vào hàng “gà, lợn” ấy chưa?
Mỗi lần nhớ đến bộ phim hoạt hình “Phi đội gà bay”(Chicken Run) của Walt Disney sản xuất năm 2000 kể về đàn gà lập mưu vượt “ngục” mới thấy gà rất có kỷ luật và khôn khéo không kém cạnh bất cứ loài thông minh nào.
Đầu xuân, xin góp vui câu chuyện về gà như sau: Ở trang trại nọ, chỉ có một con gà trống đã già, mào đã bệch bạc vì nhiều năm cúc cung phục vụ đàn gà mái. Ông chủ muốn thay thế, nên mang về một anh gà trống chân to như loài Đông Tảo. Sáng hôm sau, khi đàn gà tề tựu đông đủ ở sân, lũ gà mái trèo lên hàng rào, đống cỏ, đụn đất để sẵn sàng chứng kiến cuộc tỷ thí giành “ngôi” của hai gà trống - một già một trẻ. Không hề có ả mái nào can ngăn hoặc phân tích điều hơn lẽ phải, cho dù đã mấy năm chung sống với bác trống già, có mụ còn tỏ ra hớn hở khi ngắm cậu Đông Tảo ưỡn ngực khuềnh khoàng đi từ đầu sân đến cuối sân.
Trông cặp giò khủng của đối phương, bác trống già tế nhị đề nghị: “Này, anh to khỏe hùng dũng thế thì tôi khó mà thắng nổi, nhưng nể tôi bậc cha chú, ta sẽ thi bằng cách chạy từ đầu sân này đến cuối sân đằng xa kia, ai thắng sẽ làm bá chủ sân gà, kẻ thua sẽ phải bỏ đi không mang theo bất cứ gì”.
Chú choai buông giọng khàn khàn: “Chuyện nhỏ! Thích đây chiều!”
Bác trống e hèm nói: “Chú trẻ khỏe, nhường tôi mươi bước, cho tôi chạy trước và chú đuổi theo được không?”. Choai không ngần ngại đáp: “Xong. Mời bác chạy!”
Tiếng reo hò của đám mái làm ông chủ giật mình, vén cửa sổ nhìn xuống sân gà: “Quái lạ, thằng trống to khỏe mới mang về hóa ra bị đồng tính, hàng đàn mái xinh đẹp không vờn, lại chúi mũi đuổi theo lão trống già cơ chứ. Ông rút súng, nhắm bắn chú choai lăn đùng giữa sân trong sự hoảng loạn của cả bầy gà…”.
Câu chuyện không thể dừng ở đây, cho dù bác trống già khoái chí dương dương vì đã lập mưu mượn tay kẻ khác giết chết trống choai, để không chịu nhận nghỉ hưu, tranh chỗ của đám trẻ.
Ông chủ trại gà chỉ dùng đạn gây tê không có đầu đạn, nên sau vài phút chú choai hồi tỉnh, cũng là lúc ông chủ nhìn rõ thủ đoạn của lão trống già. Bây giờ mới là kết cục của câu chuyện kể: Chân lý không thể che đậy mãi được! Dù gì thì gì cũng không thể đánh lận con đen, vàng thau không thể như nhau được!
Không biết có phải vì thế mà gà Đông Tảo dạo này chẳng rẻ tẹo nào?
Năm nay Gà sẽ lên ngôi!!!