Cảnh sát dùng đạn hơi cay để giải tán đám đông người ủng hộ Giáo sĩ al-Sadr ở Vùng Xanh tại thủ đô Baghdad, Iraq. (Nguồn: AP) |
Ngày 29/8, những người ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Moqtada al-Sadr xông vào Vùng Xanh, nơi có các tòa nhà Chính phủ và các cơ quan ngoại giao ở trung tâm Baghdad sau khi ông al-Sadr tuyên bố sẽ rời bỏ chính trường và đóng cửa các cơ sở của mình để phản ứng với tình trạng bế tắc chính trị khó giải quyết hiện nay.
Cảnh sát đã phải nổ súng, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và 19 người khác bị thương. Theo một số nguồn thạo tin, ít nhất 7 quả đạn pháo đã rơi xuống Vùng Xanh. Hiện chưa rõ bên nào đứng sau các vụ pháo kích trên.
Cùng ngày, theo kênh Al Arabiya, lữ đoàn Saraya al-Salam (Lực lượng Hòa bình) thân cận với Giáo sĩ Moqtada al-Sadr và Lực lượng Hashd al-Shaabi (tập hợp toàn bộ các nhóm dân quân dòng Shiite ở Iraq) tiếp tục giao tranh ở Baghdad và Basra, sử dụng súng cối và súng máy hạng nặng.
Hiện các đơn vị của quân đội Iraq đã được điều đến Baghdad để tăng cường lực lượng an ninh.
Ngay sau đó, quân đội Iraq đã thông báo áp “lệnh giới nghiêm hoàn toàn ở thủ đô Baghdad” kể từ 15h30 ngày 29/8 (theo giờ địa phương) và giới nghiêm toàn quốc từ 19h. Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi quyết định ngừng phiên họp nội các đến khi có thông báo tiếp theo.
Giáo sĩ al-Sadr có hàng triệu tín đồ trung thành. Những người ủng hộ ông đã biểu tình ngồi trước tòa nhà Quốc hội Iraq từ ngày 30/7 để phản đối chính trị gia Mohammed Shia’ al-Sudani được đề cử làm Thủ tướng.
Trước đó, trong cuộc tổng tuyển cử, đảng của Giáo sĩ al-Sadr đã giành được số ghế nhiều nhất trong Quốc hội, song không đủ đa số để thành lập chính phủ.
Tuy nhiên, ông từ chối thương thảo với đối thủ là khối Khuôn khổ Hợp tác (CF), một nhóm bảo trợ các đảng phái Shi’ite trong Quốc hội Iraq để thành lập chính phủ mới.
Hôm 3/8, Giáo sĩ al-Sadr còn kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục biểu tình cho đến khi yêu cầu giải tán Quốc hội Iraq và tiến hành cuộc bầu cử sớm được đáp ứng.
Trước tình hình hiện nay tại Iraq, Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad cho biết, nước này lo ngại những diễn biến căng thẳng đang leo thang giữa chính quyền và những người biểu tình, đồng thời kêu gọi hai bên kiềm chế bạo lực.
Cơ quan trên cho biết: “Các báo cáo về tình hình bất ổn trên khắp Iraq rất đáng báo động… Mỹ lo ngại căng thẳng gia tăng và kêu gọi tất cả các bên giữ hòa bình, kiềm chế các hành động có thể dẫn đến vòng xoáy bạo lực”.
Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, tình trạng bất ổn ở Iraq sau khi Giáo sĩ Moqtada al-Sadr tuyên bố rời chính trường là “đáng lo ngại”, kêu gọi “đối thoại” để xoa dịu các vấn đề chính trị của nước này.
Tuy nhiên, ông khẳng định Washington thấy chưa cần thiết phải sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Iraq.
Trong khi đó, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốcAntonio Guterres, cho biết, ông Guterres ngày 29/8 kêu gọi "kiềm chế" ở Iraq và yêu cầu tất cả các bên “thực hiện các bước ngay lập tức để giảm leo thang tình hình”.
Ông Dujarric thông báo, Tổng thư ký “đã theo dõi với lo ngại về các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Iraq, tại đó, những người biểu tình xông vào các tòa nhà chính phủ. Ông Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên vượt lên trên sự bất đồng và tham gia, không chậm trễ hơn nữa, một cuộc đối thoại hòa bình”.
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi tất cả các bên cực kỳ kiềm chế và giữ bình tĩnh.
EU nhắc lại sự ủng hộ vững chắc của liên minh đối với an ninh, ổn định và chủ quyền của Iraq, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng với tất cả các bên là tránh bất kỳ hành động nào có thể khiến gia tăng bạo lực.
Khối này nhấn mạnh cần tôn trọng luật pháp và bảo đảm tính toàn vẹn của các thể chế.
Theo đó, tất cả các bên phải nỗ lực hướng tới giảm leo thang căng thẳng và tham gia đối thoại chính trị trong khuôn khổ Hiến pháp, như một phương tiện duy nhất để giải quyết những bất đồng.