Trước hết, cần tâm niệm rằng, chất lượng vẫn luôn là yếu tố quan trọng hơn số lượng trong hành trình của sự đọc. “Đọc” trong trường hợp này nên được định nghĩa linh hoạt là một quá trình “đọc – hiểu”. Chỉ có đọc và sau đó là hiểu thì hành động đọc mới trở nên có ý nghĩa. 15 quyển sách chỉ là một con số ban đầu mà những người tổ chức cuộc thách đố đề xuất dựa trên một vài chủ ý khách quan nào đó. Kỳ thực, đọc 15 quyển sách trong một năm thì không phải là nhiều nhưng đối với những ai chưa có thói quen đọc sách thường xuyên thì đó là một sự thử thách nho nhỏ đòi hỏi phải có sự sắp xếp về mặt thời gian và cách thức xây dựng nhu cầu, sự ham muốn đọc.
Thứ hai, hãy từ bỏ suy nghĩ chỉ đọc co cụm trong một lĩnh vực kiến thức nào đó. Với bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, chúng ta sẽ chậm chân nếu chỉ biết duy nhất một lĩnh vực kiến thức. Tất nhiên, mỗi cá nhân độc lập sẽ có cho riêng mình một thế mạnh, một sự am tường chuyên môn sâu về một khía cạnh nhất định trong cuộc sống nhưng những kiến thức thường thức, mang tính phổ thông thì nhất quyết chúng ta không thể có thái độ dửng dưng.
Cần tâm niệm rằng, chất lượng vẫn luôn là yếu tố quan trọng hơn số lượng của sự đọc. (Nguồn: khoahoc) |
Tác phẩm The Science Of Harry Potter: How Magic Really Works của Roger Highfield là một ví dụ (đã có bản Việt ngữ: Harry Potter và những lý giải khoa học, Nhà xuất bản Trẻ, 2011). Rõ ràng, tác giả đã thật tuyệt vời khi có thể liên kết những nguyên lý, những lý thuyết và cả những giả định khoa học khô khan với những tình tiết đầy sự mê hoặc, huyền bí, kỳ diệu, thậm chí ảo tưởng có trong thế giới phù thủy. Nếu chỉ mải mê cùng những trang sách khoa học mà không dành thời gian thả tâm hồn bay bổng cùng những cuộc phiêu lưu của Harry Potter thì liệu tác giả có thể giới thiệu đến mọi người một quyển sách ấn tượng, lý thú như vậy không?
Và, sẽ chỉ là như thể chúng ta đang cắm cúi mải miết chạy trên con đường một chiều nếu sự đọc của chúng ta không biến thành một lợi ích gì sau đó. Hãy học cách áp dụng, vận dụng những tri thức đọc được để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày trong học tập, trong công việc, hay cả trong chuyện tình cảm, chuyện đối nhân xử thế. Có thể nói, kết quả của sự đọc sẽ được chuyển hóa thành muôn hình vạn trạng những hình thức khác nhau. Đừng để những kiến thức mà chúng ta đã đọc trở nên hóa thạch trong tâm trí như thể một hiện vật trong viện bảo tàng. Hãy lan tỏa những kiến thức.
Viết là sự chuyển hóa thường gặp nhất của sự đọc. Hãy tập thói quen tóm tắt thành lời thật suôn sẻ, thật gãy gọn và dễ hiểu về những gì mà chúng ta thu hoạch được từ một quyển sách vừa đọc. Ban đầu, có thể chỉ dừng lại ở mức bê nguyên si những dòng chữ của nguyên tác. Sau dần, khi vốn từ được rèn luyện liên tục, chúng ta sẽ có cho riêng mình những trang giới thiệu ấn tượng về một quyển sách làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta. Còn nếu cảm thấy có chút trở ngại với sự viết thì chúng ta có thể chia sẻ những gì đọc được cùng bạn bè, người thân thông qua những cuộc trao đổi trò chuyện. Chính quá trình tâm sự ấy, những điều chưa tỏ tường sẽ được lý giải, thậm chí sẽ có những sáng kiến, sáng tạo được lóe sáng từ những gợi ý bất ngờ, đột xuất.
Cuối cùng, cũng như bất kỳ một hoạt động nào khác, để việc đọc sách thật sự mang lại hiệu quả, chúng ta cần phải có những phương pháp phù hợp. Rất dễ dàng để có thể tìm hiểu và tham khảo về cách đọc sách hiệu quả thông qua các hướng dẫn, những chia sẻ có trong các sách hướng dẫn hoặc trên internet. Hãy khám phá, lĩnh hội tri thức một cách khoa học, bài bản và có mục đích để thêm yêu tri thức trong cuộc sống muôn màu.