EU đang xem xét việc sử dụng số tiền lãi thu được từ khoản phong tỏa tài sản Nga để hỗ trợ Ukraine. (Nguồn: Shutterstock) |
Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Tôi có quan điểm mạnh mẽ rằng, Nga phải trả giá cho những gì mà họ đã gây ra ở Ukraine".
Kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã phong tỏa khoảng 300 tỷ Euro (328 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga.
Với việc Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, Ukraine sẽ cần 411 tỷ USD để tái thiết đất nước, các đồng minh ở châu Âu - nơi nắm giữ hầu hết các tài sản này - đã tìm cách sử dụng tài sản của các nhà tài phiệt và ngân hàng trung ương Nga để giúp Kiev.
Chủ tịch EC nói rằng: "Chúng tôi cần các công cụ pháp lý rất vững chắc để có thể sử dụng tài sản công của Nga phục vụ cho việc tái thiết Ukraine".
Trong một bài phát biểu tại London vào ngày 21/6, bà Ursula von der Leyen cũng chỉ ra rằng, EU đang xem xét việc sử dụng số tiền lãi thu được từ khoản phong tỏa trên.
Khoảng 734 triệu Euro tiền lãi đã được tích lũy trong quý đầu tiên của năm 2023 từ số dư tiền mặt của các tài sản bị đóng băng được giữ tại Euroclear - công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Bỉ.
Tuy nhiên, việc "tiêu" số tiền trên sẽ cần các công cụ pháp lý phức tạp.
Đánh giá về vấn đề này, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo rằng, việc sử dụng lãi suất thu được từ tài sản bị đóng băng của Moscow có thể khiến các nước quay lưng với đồng Euro.
Ngân hàng này tin rằng, sự phối hợp quốc tế sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro.
Theo hãng tin Bloomberg, EU đang cân nhắc các trở ngại pháp lý đối với 2 lựa chọn.
Thứ nhất, tạm thời sử dụng tài sản lưu động của Ngân hàng trung ương Nga. Nói cách khác là đầu tư tài sản và chuyển số tiền thu được cho Ukraine.
Thứ hai, các công ty có cổ phần của Nga có thể tạo ra lợi nhuận lớn khi đầu tư bằng tài sản này sẽ được yêu cầu chuyển lại một số tiền cho EU.
Một nhà ngoại giao EU giấu tên cũng nói với Financial Times rằng, EC đang hoàn thiện các đề xuất về khả năng khai thác tài sản bị đóng băng của Nga, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, theo Financial Times, nhiều nhà lập pháp trong khối đã chỉ ra rằng “không có con đường pháp lý đáng tin cậy nào cho phép tịch thu tài sản bị phong tỏa hoặc tài sản cố định chỉ vì lý do duy nhất là những tài sản này đang chịu các biện pháp hạn chế của EU”.
Nói cách khác, hệ thống pháp luật EU chỉ cho phép “đóng băng” tài sản chứ không được sung công.