📞

Dùng tài sản Nga tái thiết Ukraine – Tưởng dễ mà rất khó, 'vũ khí' của Mỹ và phương Tây lộ rủi ro

Gia An 19:18 | 04/05/2023
Việc tịch thu vĩnh viễn tài sản của Nga rất hấp dẫn - nhưng việc sung công mà không có bằng chứng phạm tội của chủ sở hữu tài sản sẽ gây nguy hiểm cho phương Tây.

Mỹ và phương Tây sẽ làm gì với những tài sản Nga bị đóng băng?... Họ đang cân nhắc liệu có thể sử dụng số tài sản này hay không và bằng cách nào sử dụng để tái thiết Ukraine.

Tài sản của Ngân hàng Trung ương và các cá nhân người Nga bị đóng băng ở các nước phương Tây, đang được xem xét tích cực. Mặc dù có nhiều gợi ý hợp lý rằng, những tài sản đó nên được sử dụng để hỗ trợ Ukraine phòng thủ hoặc tái thiết, điều này có khả thi về mặt pháp lý hay không và có thể đạt được hay không?... đang được Washington, Ottawa London, Tokyo, Canberra, Bern và Brussels thảo luận tích cực.

Siêu du thuyền lớn nhất thế giới Dilbar thuộc sở hữu hợp pháp của bà Ulbakhor Ismailova, em gái nhà tài phiệt Nga Alisher Usmanov bị Đức tạm giữ theo lệnh trừng phạt của EU. (Nguồn: SuperYacht Times)

Chưa từng có và rất phức tạp

Chính phủ Estonia đã tuyên bố rằng, họ sẽ đưa ra một “kế hoạch chi tiết” về cách thức tịch thu hợp pháp các tài sản bị đóng băng của Nga và rất nhiều chính trị gia ở các quốc gia khác cũng bày tỏ tham vọng tương tự.

Mục tiêu của họ là sử dụng số tiền này để chi trả cho việc tái thiết Ukraine. Nhưng việc thu giữ một tài sản đòi hỏi phải có một cuộc điều tra và phải tìm ra mối liên kết giữa chủ sở hữu tài sản đó với một tội phạm nào đó.

Các đồng minh phương Tây đã đóng băng hơn 300 tỷ Euro (331,7 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng trung ương Nga và hàng chục tỷ USD tài sản khác nhau thuộc về cá nhân (19 tỷ Euro từ các nhà tài phiệt Nga) hoặc các thực thể Nga bị trừng phạt.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, ngoài các lệnh trừng phạt, phương Tây còn muốn Moscow bồi thường thiệt hại cho Kiev. Theo tính toán từ phương Tây, tổng thiệt hại về nhà cửa, hạ tầng giao thông của Ukraine sau một năm diễn ra xung đột lên tới hơn 85,8 tỷ USD.

Trong một sự kiện mới đây, khi được hỏi về khả năng sử dụng các quỹ bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga để tái thiết Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, có những ràng buộc pháp lý đối với quyền hạn mà Mỹ và phương Tây có thể làm với tài sản bị đóng băng của Nga và hiện các bên đang thảo luận về những gì có thể thực hiện trong tương lai.

Tại Mỹ, Quốc hội đang xem xét thay đổi luật như thế nào để cho phép tịch thu vĩnh viễn các tài sản bị đóng băng, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang rất thận trọng về điều này.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, EU không hài lòng với việc chỉ đóng băng tài sản, mà có ý định tịch thu và sử dụng chúng, hoặc chí ít là sử dụng lãi suất có được từ việc đưa chúng vào đầu tư.

Nhưng Giám đốc Ủy ban Thương mại quốc gia Thụy Điển Anders Ahnlid - người hiện đứng đầu nhóm chuyên trách của EU về giải quyết các tài sản bị đóng băng của Nga đã phải thừa nhận điều này không hề đơn giản, chưa từng có và rất phức tạp.

“Việc tịch thu lượng tài sản lớn để trang trải cho quá trình tái thiết Ukraine không đơn giản chút nào, thật khó để tìm ra các biện pháp pháp lý có thể chấp nhận được", theo ông Anders Ahnlid, ngay cả ở cấp độ toàn cầu, các tiền lệ như vậy cũng là rất hiếm, ngoại trừ trường hợp tài sản của Iraq bị Mỹ tịch thu dưới thời ông Saddam Hussein.

Được bổ nhiệm vào tháng trước, vị quan chức người Thụy Điển này không mạo hiểm đưa ra thời gian biểu cho việc thanh toán tấm séc đầu tiên cho Kiev lấy từ tài sản của Nga. Nhà ngoại giao Thụy Điển nhấn mạnh, đây là vấn đề phức tạp, sẽ phải tính đến cả những khía cạnh ngắn hạn và dài hạn.

Mặc dù, vị quan chức Thụy Điển bày tỏ hy vọng sẽ đạt được kết quả trong nhiệm kỳ chủ tịch EU của nước này, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng Sáu. Nhóm chuyên trách về giải quyết tài sản của Nga cũng đã tổ chức cuộc họp đầu tiên hồi tháng Ba, nhưng ông Ahnlid cho biết, họ đều hiểu việc tìm ra các biện pháp hợp pháp để tịch thu tài sản của Moscow, từ du thuyền của các tỷ phú, cho tới dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga, là một thách thức rất lớn.

“Riêng đối với tài sản tư nhân, các hành lang pháp lý chỉ cho phép các quốc gia phương Tây tịch thu chúng vĩnh viễn trong những trường hợp rất hạn chế, thường là khi chứng minh được đó là tiền thu được từ hoạt động tội phạm. Thực hiện nghiêm túc các luật định cho thấy EU là liên minh được xây dựng dựa trên luật pháp", ông Ahnlid khẳng định.

Trên thực tế, các công dân Nga bị trừng phạt hiện đang phản đối tính hợp pháp của các biện pháp trừng phạt đối với họ. Một trường hợp điển hình, mới đây, Tòa sơ thẩm EU đã phải ban hành lệnh đình chỉ một phần lệnh trừng phạt đối với tay đua Công thức 1 người Nga Nikita Mazepin, con trai của CEO Tập đoàn Uralchem - nhà sản xuất hóa chất hàng đầu của Nga.

Ông Anders Ahnlid là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm soát tài sản bị tịch thu. Ông từng làm việc về các gói trừng phạt áp đặt với Nga từ sau khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014. Vị quan chức này cho biết, tài sản tư nhân thường được được một công ty thứ ba bảo vệ, khiến chúng khó bị tịch thu hơn.

"Vũ khí USD" đang suy yếu?

Cùng với việc đóng băng tài sản, từ nhiều năm nay, Mỹ còn sử dụng đồng USD như một vũ khí lợi hại để gây áp lực với cả đối thủ cũng như một số đồng minh "cứng đầu" của mình.

Trả lời báo chí về lý do Mỹ sử dụng vũ khí đồng bạc xanh để trừng phạt các đối thủ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen giải thích rằng, Mỹ có thị trường vốn và các quy định luật pháp rất mạnh, điều này đặc biệt quan trọng đối với một loại tiền tệ được sử dụng cho các giao dịch trên toàn cầu. Và không một quốc gia nào khác có cơ sở hạ tầng thể chế cho phép đồng tiền của mình phục vụ thế giới như vậy.

Nhưng do đồng USD được sử dụng như một loại tiền tệ toàn cầu, nên các quốc gia khác sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể tìm được một giải pháp thay thế về lâu dài. Đặc biệt, khi các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng được các nước đồng minh sử dụng để chống lại Nga, trong khuôn khổ “Liên minh các đối tác cùng hành động”.

Tuy nhiên, bà Janet Yellen cũng thừa nhận, các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt, đặc biệt là đối với Nga, đang tạo ra một "rủi ro" có thể làm suy yếu sự bá chủ của đồng tiền này trong dài hạn.

Lý do là bởi các quốc gia mà Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đang cố gắng tìm kiếm giải pháp thay thế. Đó là các trường hợp của Trung Quốc, Nga và Iran.

Từ năm 2014, Trung Quốc và Nga đã chính thức bỏ đồng USD làm tiền tệ trao đổi. Kể từ khi sáp nhập Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ưu tiên giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD - đồng tiền chi phối thương mại quốc tế.

Đánh giá về vị thế đồng USD, mới đây, tỷ phú Nga Oleg Deripaska cho rằng, tính ưu việt của đồng bạc xanh từ lâu đã được sử dụng như một "vũ khí trả thù" chống lại tất cả những người bất đồng ​​và thường không có sự đánh giá pháp lý trước.

"7 năm trước, sự thống trị tuyệt đối của đồng bạc xanh trong các khoản thanh toán và giao dịch tài chính toàn cầu dường như không thể lay chuyển. Nhưng hiện tại, các giao dịch thanh toán toàn cầu sẽ trở nên đa dạng hơn và các loại tiền kỹ thuật số sẽ trở nên tương thích hơn. Điều đó sẽ khó khăn lúc đầu, nhưng sau đó thế giới sẽ khám phá ra một thực tế mới mà không cần đồng tiền bá chủ”, ông Oleg Deripaska.

Đối với Nga, trên thực tế, mục tiêu phi USD hóa đã đạt được những kết quả nhất định, thị phần của Nhân dân tệ trên thị trường ngoại hối đã tăng từ 1% vào đầu năm 2022 lên 40-45% vào quý III/2022. Các báo cáo giao dịch hàng ngày của Sàn giao dịch Moscow cho thấy, Nhân dân tệ đã vượt qua USD về khối lượng giao dịch hàng tháng.

(theo La Tribune, AFP)