📞

Truyền thông Đức: EU-Trung Quốc rơi vào 'ngõ cụt' đàm phán vì các yêu sách của Bắc Kinh

Thế Việt 07:16 | 24/12/2020
TGVN. Ngày 23/12, Tạp chí WirtschaftsWoche (Tuần Kinh tế) của Đức đưa tin, các cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc về Hiệp định Đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc đã rơi vào bế tắc ở chặng cuối do Bắc Kinh có thêm các yêu sách về vấn đề năng lượng.
Các cuộc đàm phán về Hiệp định Đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc đã rơi vào bế tắc ở chặng cuối do Bắc Kinh thêm các yêu sách về vấn đề năng lượng. (Nguồn: Reuters)

Tạp chí Đức dẫn các nguồn tin EU cho biết: "Trung Quốc muốn đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân của châu Âu và sử dụng công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực này".

Trong các cuộc đàm phán, phía Trung Quốc thông báo với các đối tác châu Âu rằng Bắc Kinh coi công nghệ của mình trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân ưu việt hơn của châu Âu.

Vấn đề điện hạt nhân thường gây tranh cãi giữa các nước EU bởi việc đầu tư trong lĩnh vực này có thể đặt hệ thống cơ sở hạ tầng nhạy cảm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Nhiều nước EU đã bác bỏ hoàn toàn việc sử dụng năng lượng hạt nhân hoặc đã quyết định từ bỏ công nghệ này trong vài năm tới.

Theo các quan chức Đức và EU, sau quá trình khởi động đàm phán từ năm 2014, châu Âu và Trung Quốc mong muốn đạt được một thỏa thuận đầu tư vào cuối năm nay, theo đó cho phép các công ty châu Âu được tiếp cận nhiều hơn ở thị trường Trung Quốc.

Khi có hiệu lực, thỏa thuận trên sẽ tạo cơ sở bình đẳng cho hầu hết công ty châu Âu hoạt động ở Trung Quốc, đồng thời được coi là bước tiến lớn nhằm phục hồi mối quan hệ Trung Quốc-EU sau đại dịch Covid-19 cũng như vấn đề Hong Kong.

Tuy nhiên, thỏa thuận cũng có thể gây phức tạp cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời chính quyền mới ở Mỹ.

Cố vấn An ninh quốc gia được đề cử của Mỹ Jake Sullivan hồi đầu tuần đã viết trên Twitter rằng, Washington sẽ hoan nghênh việc sớm có các cuộc tham vấn với các đối tác châu Âu về "mối quan ngại chung của chúng ta đối với cách hành xử trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc".

Trung Quốc lo ngại bị phương Tây cô lập khi Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh và Brussels cũng đã có những động thái nhằm giám sát một cách chặt chẽ việc đầu tư của Trung Quốc trong các lĩnh vực then chốt của châu Âu.

(theo Reuters)