📞

EC thông qua quy định mới chống gian lận thương mại

09:57 | 05/12/2017
​Ngày 4/12, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua các quy định mới nhằm bảo vệ châu Âu trước những hành vi thương mại không lành mạnh. Dự kiến các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/12 tới. 

Phương thức chống bán phá giá mới vừa được EC thông qua sẽ cho phép xác định và xử lý hiệu quả hơn các trường hợp giá của sản phẩm nhập khẩu bị hạ thấp một cách có chủ ý hoặc do tác động của nhà nước. 

Khuôn khổ pháp lý mới cũng cho phép xóa bỏ sự phân biệt giữa các nền kinh tế hàng hóa và phi hàng hóa trước đây trong việc xác định hành vi phá giá, đồng thời giữ nguyên mức độ bảo hộ cho các nhà sản xuất nội địa. 

Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua các quy định mới nhằm bảo vệ châu Âu trước những hành vi thương mại không lành mạnh. (Nguồn: openeurope)

Ủy ban châu Âu (EC) có nhiệm vụ xác minh tình trạng mất cân đối giữa giá bán với giá thành sản xuất của một sản phẩm trên thị trường.

Ngoài ra, EC cũng sẽ soạn thảo các báo cáo về những quốc gia hay lĩnh vực bị cho là có tình trạng mất cân đối giá cả. Các doanh nghiệp tại Liên minh châu Âu (EU) có thể sử dụng các báo cáo này để hỗ trợ lập luận của mình trong các vụ kiện bán phá giá. 

Ông Urve Palo, Bộ trưởng Thương mại Estonia - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đánh giá quyết định này cho thấy châu Âu tôn trọng các ưu tiên được vạch ra trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên với việc tăng cường khung công cụ chống bán phá giá nhằm mở ra một môi trường thương mại công bằng cho các nhà sản xuất châu Âu.

Các biện pháp mới được kỳ vọng sẽ ngăn chặn việc các đối tác thương mại đưa vào EU những sản phẩm bị định giá sai và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. 

Được Nghị viện châu Âu chấp thuận ngày 15/11 và EC thông qua ngày 4/12, văn bản về các quy định mới nhằm chống gian lận thương mại sẽ được đưa ra ký kết tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) ngày 13/12 tới.

Toàn văn quy định mới này sẽ được đăng trên Công báo châu Âu ngày 19/12 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12.

Các đề xuất điều chỉnh được xây dựng một cách trung lập bởi các quốc gia thành viên, phù hợp với các quy định của EU cũng như của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO).

(theo European Council)