Hạt tiêu là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Mali. (Nguồn: Moit) |
Ngày 9/1, ECOWAS gồm 15 nước thành viên tuyên bố các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Mali.
Theo đó, các nước thành viên đóng cửa biên giới trên đất liền và không phận với Mali, đình chỉ tất cả giao dịch tài chính và thương mại trừ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, thuốc, thiết bị y tế, các sản phẩm dầu mỏ và điện.
Bên cạnh đó, ECOWAS cũng phong tỏa tài sản của Mali tại các ngân hàng trung ương và thương mại của tổ chức này, tạm ngừng mọi hoạt động hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Tây Phi (BIDC) và Ngân hàng Phát triển Tây Phi (BOAD) đối với Mali.
Tất cả các nước thành viên ECOWAS cũng sẽ lập tức rút các đại sứ của họ về nước. Các lệnh trừng phạt này có hiệu lực ngay lập tức.
Chính quyền Mali đáp trả các biện pháp trừng phạt trên bằng việc quyết định triệu hồi đại sứ tại các quốc gia thành viên khác của ECOWAS, đồng thời đóng cửa biên giới trên bộ và trên không với các quốc gia liên quan.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận, với các biện pháp trừng phạt kinh tế mới của ECOWAS đối với Mali, dự báo hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam tới thị trường này có thể sẽ gặp một số vấn đề.
Để tránh các rủi ro, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Mali khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần bám sát tình hình chính trị tại Mali, trao đổi kỹ với đối tác, nhất là khâu thanh toán, vận chuyển hàng qua biên giới với Mali trong bối cảnh ECOWAS áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế với nước này.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mali chỉ đạt hơn 13 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm dầu thô, xi măng, hải sản, hạt tiêu, sản phẩm chất dẻo… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là bông các loại, hạt điều, đồng, máy vi tính, sản phẩm sắt thép.
Hồi năm 2020, ECOWAS đã từng áp đặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Mali bằng những biện pháp tương tự sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự vào ngày 18/8/2020 với việc bắt giữ Tổng thống và Thủ tướng đương nhiệm.
Khi đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế đã gây đình trệ hoạt động thanh toán quốc tế cũng như gián đoạn khâu vận tải do Mali không có cảng biển, phải sử dụng các cảng quá cảnh của Senegal, Cote d’Ivoire và Benin.
Trong thời gian này, đã có doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu cũng như thông quan hàng hóa với khách hàng Mali.
Tuy nhiên, sau 47 ngày cấm vận, đến ngày 6/10/2020, ECOWAS đã tuyên bố dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Mali khi chính phủ lâm thời nước này cam kết thực hiện kế hoạch chuyển tiếp quyền lực cho chính quyền dân sự trong thời gian 18 tháng.
| Bị ECOWAS tung đòn cấm vận, Mali 'tuyên chiến', ráo riết hành động Căng thẳng leo thang giữa Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và Mali liên quan các lệnh trừng phạt mới của khối nhằm vào ... |
| Tin thế giới 10/1: Ukraine gọi Nga là 'kẻ xâm lược'; Kazakhstan cảm ơn Tổng thống Nga; Thủ tướng Campuchia nói gì về Myanmar? Đàm phán an ninh Nga-Mỹ, quan hệ Nga với NATO và Ukraine; tình hình Kazakhstan, Myanmar, đàm phán hạt nhân Iran, Tổng thống Hàn Quốc ... |