EMS Now: Việt Nam tái định vị để thống lĩnh trong ngành công nghiệp vi điện tử toàn cầu. Ảnh: Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Bắc Ninh. (Nguồn: Nikkei Asia) |
Theo bài viết, từ khi được phía Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại năm 1994, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc và giày dép lớn thứ hai vào Mỹ.
Công nghiệp nhẹ chiếm ưu thế trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi Mới vào những năm 1980. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam tái định vị để trở thành nền kinh tế thống lĩnh trong ngành công nghiệp vi điện tử toàn cầu, một phần nhờ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Năm 2019, Việt Nam được xếp hạng là nền kinh tế xuất khẩu hàng điện tử và linh kiện lớn thứ 4 sang Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi trong 4 năm qua và hiện đã vượt 19 tỷ USD, hơn cả Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam hiện chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu và mọi thứ dường như chỉ mới bắt đầu.
Những “ông lớn” đi đầu
Dù Việt Nam ngày càng thành công trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp bán dẫn và vi điện tử, với sự ra đời của “Trung Quốc+1”- chiến lược kinh doanh nhằm đa dạng hóa đầu tư vốn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong thập kỷ qua.
Trong số những “bên chơi” đầu tiên, không thể không kể đến Samsung với việc thiết lập nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên trị giá 670 triệu USD ở Bắc Ninh năm 2008. Chỉ trong vòng một thập kỷ, Sam Sung nâng mức đầu tư trên toàn quốc lên 17,3 tỷ USD. Hiện tập đoàn Hàn Quốc này là nhà đóng góp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Việt Nam và chiếm hơn 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhờ Samsung, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới.
Cũng trong khoảng thời gian này, Tập đoàn Intel của Mỹ khai trương cơ sở lắp ráp và kiểm tra chất bán dẫn trị giá 1 tỷ USD tại TP. Hồ Chí Minh, giúp Việt Nam có bước tiến vững chắc trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư lớn như LG, Panasonic và Foxconn cũng sớm tiếp bước.
Những nhà đầu tư tiên phong này nhận thấy Việt Nam có sức hấp dẫn nhờ một số lý do.
Điểm mấu chốt trong số những lý do này là mức chi trả nhân công thấp và cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi - điều mà Liên hợp quốc gọi là cơ cấu “dân số vàng”, mang lại “cơ hội duy nhất một lần để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội”.
Các công ty cũng bị thu hút với việc Việt Nam có ngày càng nhiều thỏa thuận thương mại tự do (FTA), gồm Khu vực thương mại tự do ASEAN, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA EU-Việt Nam (EVFTA) và gần đây nhất là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Dù Việt Nam chưa có FTA với Mỹ, song khảo sát khu vực hàng năm của AmCham Singapore liên tục xác định Việt Nam là quốc gia hấp dẫn nhất trong ASEAN với tư cách đối tác FTA song phương tiềm năng với Mỹ.
Tận dụng chiến tranh thương mại
Nếu chiến lược “+1” là chất xúc tác khơi mào cho làn sóng sản xuất hàng điện tử ở Việt Nam thì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính là chất kích thích tăng động lực cho chiến lược này. Việt Nam được cho là bên hưởng lợi lớn nhờ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Điều này thể hiện rõ trong cả xu hướng thương mại và đầu tư.
Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra sự chuyển hướng trong thương mại, do nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm 12% trong 6 tháng đầu năm 2019 trong khi nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam tăng 33%. Thiết bị điện tử và máy móc chiếm phần lớn trong tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ.
ADB dự báo, nếu thương chiến Mỹ-Trung kéo dài, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan sẽ lần lượt là những bên hưởng lợi nhiều nhất.
Về mặt đầu tư, khảo sát về những nước dẫn đầu chuỗi cung ứng toàn cầu, do Gartner Inc. công bố vào tháng 3/2020, cho thấy 33% đã “chuyển hoạt động tìm nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc có kế hoạch làm như vậy trong 2-3 năm tới”.
Khảo sát này không đề cập cụ thể đến bên hưởng lợi, nhưng ADB cho biết “trong 7 tháng đầu năm 2019, FDI đăng ký mới vào Việt Nam từ Trung Quốc và Hong Kong đã tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái”, điều này cho thấy sự chuyển dịch của các nhà cung cấp Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài ra, một số tin tức gần đây cho biết các công ty như Apple, Nintendo và Dell đang khuyến khích các nhà cung cấp chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Các nhà cung ứng đang làm theo, gồm Compal Ele ctronics, GoerTek, HZO, Inventec, Luxshare Precision Industry, Pegatron, USI và Wistron, những công ty này đã công bố kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam.
Các trung tâm sản xuất
Ở Việt Nam, các cơ sở sản xuất vi điện tử tập trung ở một số địa điểm.
Về phía Nam, khu công nghệ cao Sài Gòn tại TP. Hồ Chí Minh đã sớm thu hút Intel và Samsung và các công ty như Nidec và Jabil sẽ sớm theo gót. Tuy nhiên, vốn đầu tư lớn nhất là ở các tỉnh phía Bắc giáp Hà Nội.
Cách Hà Nội một giờ lái xe, Bắc Ninh là địa điểm đầu tư đầu tiên của Samsung và từ đó đã thu hút Foxconn và Canon. Mới đây, các công ty quan tâm đến thành phố cảng Hải Phòng, thành phố lớn thứ 3 cả nước, vốn đã là nơi đặt trụ sở của Samsung và LG. Hải Phòng có vị trí gần các cụm sản xuất khác, cảng nước sâu mới và đường cao tốc đóng vai trò là tuyến đường bộ kéo dài 12 giờ đồng hồ đến trung tâm đồ điện tử của Trung Quốc ở Thâm Quyến, các yếu tố này đang giúp Hải Phòng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao mới của Việt Nam.
Năm 2019, LG Electronics đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh từ Hàn Quốc về Hải Phòng và năm 2020, Pegatron được cho là đã chọn Hải Phòng để đầu tư 1 tỷ USD. Công ty sản xuất điện thoại VinSmart cũng đang sản xuất điện thoại thông minh 5G đầu tiên của cả nước tại Hải Phòng. Tháng 11/2020, công ty con USI của ASE Holding (Đài Loan) đã động thổ cơ sở sản xuất đầu tiên ở Đông Nam Á, đầu tư giai đoạn 1 trị giá 200 triệu USD vào sản xuất và lắp ráp chip cho các thiết bị điện tử đeo được.
Theo Giám đốc Dịch vụ sản xuất Kuei Chun Chi của USI, khoản đầu tư của USI (đang rót vào các khu công nghiệp DEEP C tại Hải Phòng) là “nhằm đưa tập đoàn đến gần hơn với khách hàng nước ngoài và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Có vị trí địa lý chiến lược và cơ sở hạ tầng mở rộng, miền Bắc Việt Nam cho phép USI hỗ trợ tối ưu để đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt các đơn đặt hàng của khách hàng”.
Dù đại dịch Covid-19 đã làm giảm tốc độ đầu tư mới vào ngành vi điện tử của Việt Nam, nhưng cũng làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn bùng phát dịch bệnh thông qua các biện pháp kiểm dịch tích cực và truy tìm nguồn gốc tiếp xúc và kết quả là, nền kinh tế Việt Nam có triển vọng tươi sáng nhất trong khu vực.
Việt Nam đã ứng phó thành công với đại dịch Covid-19. Việc này kết hợp với các yếu tố như vị trí chiến lược, nhân công thấp và các hiệp định thương mại nước ngoài… sẽ biến Việt Nam trở thành điểm đến mới cho ngành sản xuất điện tử.