Tọa đàm diễn ra trước thềm Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã (IWT) lần thứ 4 sẽ diễn ra tại London, Anh vào tháng 10 tới đây.
Trước đó, vào tháng 11/2016, tại Hội nghị IWT lần thứ 3 được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam cùng đại diện 46 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã ra Tuyên bố Hà Nội khẳng định cam kết bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. Nhân dịp này, ENV đã đưa ra 10 thay đổi quan trọng có thể mang lại những ảnh hưởng sâu sắc và tích cực đến các loài nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam và khuyến khích Việt Nam thực hiện.
Tọa đàm “10 hành động cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã”. (Ảnh: Ly Ly) |
Tọa đàm lần này được tổ chức nhằm đánh giá lại 10 khuyến nghị đã được đưa ra, từ đó ghi nhận những thành tựu đã đạt được cũng như đánh giá những thách thức mà Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt để bảo vệ các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam và thế giới. Đồng thời, nhìn lại hai năm thực hiện 10 hành động cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD và đánh giá vai trò của báo chí trong các nỗ lực bảo vệ ĐVHD.
Tại Tọa đàm, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV đã đưa ra 10 vấn đề quan trọng hàng đầu cần được giải quyết để bảo vệ động vật hoang dã đó là: (1) Điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD; (2) Xóa bỏ nạn tham nhũng; (3) Trừng trị thích đáng nhằm răn đe hiệu quả các đối tượng vi phạm; (4) Nghiêm cấm buôn bán sừng tê giác dưới mọi hình thức; (5) Tiêu hủy các kho ngà voi và sừng tê giác thu giữ được; (6) Thắt chặt quản lý đối với các cơ sở nuôi hổ tư nhân và chấm dứt mọi hoạt động cho hổ sinh sản không kiểm soát; (7) Chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam; (8) Siết chặt tình trạng cấp phép gây nuôi thương mại ĐVHD; (9) Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát và chấm dứt tình trạng tiêu thụ ĐVHD trái phép trên địa bàn; (10) Tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm trên Internet.
Ấn phẩm Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã do ENV phát hành năm 2018. (Nguồn: ENV) |
Theo ENV, trong hai năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD). Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) chính thức có hiệu lực vào đầu năm nay, nâng mức phạt tù tối đa với các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD lên đến 15 năm.
Đây hứa hẹn là một công cụ hiệu quả góp phần răn đe, trấn áp tội phạm về ĐVHD. Bên cạnh đó, các đối tượng bị nghi là “đầu sỏ” những đường dây buôn bán ĐVHD trái phép đã bị bắt giữ và đưa ra xét xử.
Được thành lập năm 2000, ENV là một trong những tổ chức đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. ENV đấu tranh chống nạn buôn bán trái phép ĐVHD và hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết phải bảo vệ thiên nhiên và các loài ĐVHD. Bằng các chiến lược mang tính sáng tạo và đổi mới, ENV mong muốn từng bước thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD. Bên cạnh đó, ENV cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm tăng cường thể chế, chính sách và trực tiếp hỗ trợ các nỗ lực thực thi pháp luật trong công cuộc bảo vệ các loài ĐVHD đang bị đe dọa tại Việt Nam, trong khu vực và trên toàn thế giới. |