Trạm tiếp nhận của hệ thống đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga ở gần thị trấn Szazhalombatta, Hungary. (Nguồn: AFP) |
Tờ Politico dẫn lời 6 nhà ngoại giao tiết lộ, một số quốc gia, bao gồm cả Hungary, tiếp tục cản trở biện pháp này.
Hungary hiện vẫn mua dầu của Nga. Nước này muốn tái xuất sang các nước láng giềng trong EU và sử dụng cho các nhà máy trong nước.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), bằng cách này Budapest có thể đạt được lợi thế không công bằng trong thị trường chung của khối. Ngoài ra, Cyprus, Hy Lạp và Malta, những nước có nhiều tàu chở dầu, cũng bày tỏ lo ngại.
Theo các quốc gia này, EU sẽ tự “bắn vào chân” nếu cấm đội tàu chở dầu của mình vận chuyển dầu của Nga, nhưng không thuyết phục được các nước khác có đội tàu vận tải biển áp đặt hạn chế tương tự.
Một số nhà ngoại giao EU lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Indonesia sẽ “kiểm soát” lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc mong đợi hỗ trợ từ New Delhi được đánh giá “giống như yêu cầu không áp lệnh trừng phạt” Nga.
Các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) từng tuyên bố ý định áp mức trần đối với giá dầu của Nga. Để thực hiện điều này, họ muốn tạo ra một "liên minh quốc tế rộng rãi" và cấm cung cấp dịch vụ vận chuyển dầu của Nga bằng đường biển nếu giá bán cao hơn mức giới hạn mà liên minh đã thỏa thuận.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hồi đầu tháng 9 cảnh báo, Moscow sẽ ngừng cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho những nước quyết định hạn chế giá dầu của Nga. Ông Novak gọi các đề xuất áp đặt hạn chế đối với giá dầu của Nga là "hoàn toàn vô lý".