📞

EU bất ngờ giáng 'đòn hiểm', Ba Lan nêu quan điểm riêng, Ukraine bất bình nói 'vô căn cứ'

Linh Chi 12:02 | 11/04/2024
Khi nhìn về viễn cảnh sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nông dân Ukraine trông chờ vào tương lai trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU), được bán hàng hóa tự do trên thị trường chung của khối. Nhưng một "hòn đá tảng" đang ngăn cản điều này.
Nông dân Ba Lan dùng máy kéo biểu tình phản đối Thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu (EU) và việc nhập khẩu nông sản Ukraine tại Zakret, Ba Lan ngày 20/3. (Nguồn: Reuters)

Trong cuộc họp mới nhất vào ngày 8/4, các quốc gia EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí thắt chặt hơn nữa đối với nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Ukraine.

Cụ thể, thỏa thuận sẽ gia hạn miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa nông nghiệp Kiev nhưng lại đặt giới hạn nhập khẩu gia cầm, trứng, đường, ngô, ngũ cốc và mật ong từ Ukraine, dựa trên mức trung bình nhập khẩu trong giai đoạn từ giữa năm 2021 đến cuối năm 2023.

Quyết định hạn chế nhập khẩu nông sản Ukraine được các nhà lập pháp EU đưa ra sau khi nông dân tại các nước châu Âu cho rằng, nông sản kiev đang tràn ngập thị trường châu Âu nhờ giá rẻ vì được miễn thuế, khiến các nhà sản xuất trong khối không thể cạnh tranh.

Để đảm bảo thị trường nông sản EU không gián đoạn, Ủy ban châu Âu sẽ giám sát và quyết định áp thuế trong vòng 14 ngày, nếu lượng hàng nông sản nhập khẩu từ Ukraine đạt mức giới hạn. Việc áp trần nhập khẩu đối với hàng nông sản của EU có thể khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản Ukraine sang EU giảm 260 triệu USD so với năm 2023.

Nghị sĩ Ba Lan Andrzej Halicki cho rằng, những hạn chế này là cần thiết để khắc phục “sự bất bình đẳng” trong cán cân thương mại giữa Ukraine và EU. Những giới hạn cứng rắn hơn được EP và phần lớn các nước thành viên trong khối ủng hộ.

Ông Andrzej Halicki nhấn mạnh: “Những hạn chế nói trên là vì lợi ích của Ukraine. Những hạn chế không nhằm mục đích ngừng hoàn toàn nhập khẩu mà để bảo vệ nông dân châu Âu khỏi sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ nước láng giềng".

Khối 27 thành viên đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan khi vừa phải duy trì tình đoàn kết với Ukraine trong khi vừa phải xoa dịu những người nông dân châu Âu phản đối giá nông sản thấp, với một phần nguyên nhân họ cho là do hàng hóa nông sản giá rẻ của Ukraine ngập tràn thị trường châu Âu.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử EP đang tới gần, sức ép từ nông dân khiến các nhà lãnh đạo EU không thể làm ngơ.

Về phía Ukraine, các quan chức ở Kiev gọi các biện pháp hạn chế của khối 27 thành viên là vô căn cứ.

Theo họ, các sản phẩm của nước này đang có nhu cầu cao trong ngành công nghiệp thực phẩm EU, trong khi nông dân châu Âu, những người chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế của khối, thực tế là nhóm duy nhất không muốn chúng.

"Hơn nữa, không có bằng chứng nào cho thấy, nông dân EU đang bị cạnh tranh từ Ukraine", các quan chức Kiev khẳng định.

Alex Lissitsa, người đứng đầu nhóm vận động hành lang nông nghiệp của Câu lạc bộ doanh nghiệp nông nghiệp Ukraine cho hay, những hạn chế nêu bật sự trớ trêu khi các nước EU cản trở xuất khẩu của Ukraine trong khi thúc giục nước này tuân thủ các quy định của khối.

Ông bày tỏ: “Một mặt, chúng tôi được yêu cầu điều chỉnh hoạt động sản xuất của mình theo tiêu chuẩn EU, mặt khác, khối đang chặn hoạt động xuất khẩu của chúng tôi và cố gắng áp dụng lại hạn ngạch”.

Lý giải về vấn đề này, ông Andrzej Halicki cho biết, Ba Lan là nước đầu tiên ủng hộ việc Ukraine gia nhập EU. Tuy nhiên: “Chúng ta cần bắt đầu các cuộc đàm phán về việc gia nhập nhưng trên các điều kiện thực tế”, ông nêu quan điểm.

Đối với Kiev, điều này có nghĩa là bắt đầu từ nông nghiệp và giải quyết những khác biệt trước khi chuyển sang các vấn đề khác.

Trong khi các nhà lập pháp như ông Halicki ở Ba Lan coi sự cạnh tranh ngày càng tăng từ ngành nông nghiệp đồ sộ của Ukraine đang đe dọa đến sự sống còn của nông dân châu Âu thì Kiev lại muốn EU cần tuân theo các quy tắc thị trường tự do.

Ông Alex Lissitsa khẳng định: "Chủ nghĩa bảo hộ sẽ không cứu được ngành nông nghiệp của EU. Nông dân Ba Lan quá nhỏ để có thể trở thành người chơi thực sự trên thị trường ngũ cốc toàn cầu, nơi họ phải cạnh tranh với các nước như Ukraine, Brazil hay Nga".

(theo Politico,