📞

EU cấm dầu Nga, bắt tay tìm ‘cú đấm bồi’, Ukraine-phương Tây có còn 'cơm lành, canh ngọt'?

Hải An 08:06 | 15/06/2022
Trong bài viết đăng ngày 14/6 trên attaqa.net, tác giả Vandana Hari* cho rằng, trước lệnh cấm vận dầu của EU, Nga đang nỗ lực tạo dựng thị trường và khách hàng mới, doanh thu ngày càng tăng do giá dầu tăng cao. Điều này khiến Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục tìm cách gây áp lực lên Moscow.
Trong những ngày gần đây, các nhà lãnh đạo Mỹ và EU được cho là đã tích cực nối lại các cuộc thảo luận về ý tưởng thành lập 'nhóm người mua' và đặt giới hạn giá đối với dầu xuất khẩu của Nga. (Nguồn: Rappler)

Giá dầu thô đã tăng lên mức cao nhất trong ba tháng vào tuần trước trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 3/6 đã thông qua gói trừng phạt thứ sáu chống lại Moscow, bao gồm lệnh cấm một phần đối với dầu của Nga.

Thông qua việc loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga qua đường biển, khối này đặt mục tiêu giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay.

Năm 2021, mỗi ngày, EU đã mua khoảng 2,2 triệu thùng dầu thô và 1,2 triệu thùng dầu tinh chế từ Nga. Do đó, nếu thực hiện thành công, lệnh cấm vận mới nhất của EU sẽ khiến khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày bị loại khỏi thị trường EU.

Thị trường toàn cầu gặp khó

Thêm vào đó, với khoảng 700.000 thùng/ngày do Mỹ cấm nhập và 130.000 thùng/ngày do Anh từ chối, mỗi ngày, Nga có khoảng 3,8 triệu thùng dầu đang tìm người mua bên ngoài châu Âu.

Ngay cả khi Moscow có thể chuyển khoảng 2 triệu thùng/ngày đến Trung Quốc và Ấn Độ (bởi hai nước sẽ chỉ mua dầu thô chứ không mua sản phẩm tinh chế), thị trường toàn cầu vẫn có thể thiếu khoảng 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Tuy nhiên, dự đoán về khả năng Nga có thể bán sang Trung Quốc và Ấn Độ tới 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày là một nhận định được cho là lạc quan quá mức.

Nếu EU hủy bỏ các hợp đồng mua nhanh hơn, Moscow có thể định tuyến lại, thì nhiều hoạt động sản xuất của Nga sẽ phải ngừng, điều này có thể gây ra nhiều khó khăn cho việc khôi phục sau này. Sự không chắc chắn này cũng là một nguyên nhân khác dẫn đến sự căng thẳng về nguồn cung trên thị trường.

Nhu cầu dầu thô ngày càng tăng của Ấn Độ bị hạn chế bởi sự nhạy cảm về giá cả, chi phí vận chuyển hàng hóa cao và phí bảo hiểm cho việc vận chuyển dầu của Nga ngày càng tăng.

Việc Trung Quốc gia tăng mua hàng được dự đoán là do nhu cầu dầu trong nước phục hồi. Tuy nhiên, nhu cầu không cao và không đồng đều trong bối cảnh các hạn chế do Covid-19 vẫn được áp dụng ở một số địa phương.

Rào cản từ bảo hiểm vận chuyển

Giờ đây, có một thách thức khác mà tập đoàn dầu khổng lồ Rosneft của Nga sẽ phải tính đến, đó là bị các hãng bảo hiểm ở châu Âu từ chối bảo hiểm vận chuyển.

Gói trừng phạt mới nhất cấm các công ty EU cung cấp bảo hiểm và tái bảo hiểm, cùng các dịch vụ khác, đối với các chuyến hàng chở dầu của Nga đến các nước thứ ba.

Việc các nhà giao dịch năng lượng toàn cầu như Vitol, Trafigura và Glencore rút lui khỏi dầu mỏ của Nga trong những tuần gần đây đã nhường chỗ cho các công ty nhỏ và ít được biết.

Các thực thể từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hoặc các quốc gia khác bên ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể cũng sẽ tăng cường tạo ra các điều khoản bảo hiểm vận chuyển mới, có thể theo cách Iran và người mua đã thực hiện dưới những lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, những lựa chọn thay thế như vậy cần có thời gian.

Mỹ, EU đuổi theo ý tưởng "giới hạn giá"

Trước lệnh cấm vận dầu của EU, Nga đang nỗ lực tạo dựng các thị trường và khách hàng mới. Điều này không chỉ duy trì khoản thu cho Moscow mà ngân sách Nga còn có xu hướng tăng lên do giá dầu tăng cao.

Tuy nhiên, rõ ràng việc này đã khiến Mỹ và EU không hài lòng và có thể gây áp lực lên Nga.

Trong những ngày gần đây, các nhà lãnh đạo Mỹ và EU được cho là đã tích cực nối lại các cuộc thảo luận về ý tưởng thành lập “nhóm người mua” và đặt giới hạn giá đối với dầu xuất khẩu của Nga.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, các đồng minh phương Tây muốn giữ cho dầu của Nga tiếp tục chảy đến những khách hàng như Trung Quốc và Ấn Độ, vì điều đó sẽ giúp ổn định giá toàn cầu trước áp lực gia tăng từ các lệnh cấm vận.

Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, vẫn giữ mục tiêu hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Moscow, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang tìm hiểu ý tưởng về việc “thỏa thuận” với các công ty bảo hiểm để các công ty này chỉ bảo hiểm vận chuyển các chuyến dầu của Nga có giới hạn giá đến các nước thứ ba.

Nếu thực hiện thành công, lệnh cấm vận mới nhất của EU sẽ khiến khoảng 3 triệu thùng dầu bị loại khỏi thị trường EU mỗi ngày. (Nguồn: AP)

Mặc dù giá dầu thô Urals của Nga đang giảm với mức chiết khấu khoảng 35 USD/thùng so với mức dưới 2 USD/thùng của dầu Brent, nhưng giá dầu thô tiếp tục tăng và lượng mua của Trung Quốc cũng như Ấn Độ tăng sẽ tiếp tục mang về nguồn thu lớn cho Moscow. Điều này đang gây khó khăn cho Mỹ và các đồng minh.

Về mặt lý thuyết, mặc dù có vẻ đơn giản nhưng ý tưởng về việc các công ty bảo hiểm chung tay cùng Mỹ và EU áp đặt trần giá đối với dầu thô của Nga là mong manh và không thực tế.

Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với Trung Quốc và Ấn Độ nếu họ trả nhiều hơn giới hạn giá mà phương Tây đặt ra cho dầu thô của Nga cũng đang được coi là một lựa chọn, nhưng rõ ràng, đây sẽ là một “bãi mìn” ngoại giao.

Ukraine bế tắc khiến các đồng minh rạn nứt

Sự bế tắc trong xung đột Nga-Ukraine, diễn ra hơn 100 qua (từ 24/2), đã thúc đẩy suy nghĩ mới về "trò chơi kết thúc" có thể trông như thế nào.

Vấn đề là, chính những người trong cuộc cũng không tìm được quan điểm đồng thuận nào về triển vọng thị trường năng lượng.

Một vấn đề lớn hơn là Mỹ, EU và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như đang rời xa nhau về các vấn đề cốt lõi như hỗ trợ quân sự của phương Tây đối với Kiev, EU nên đi xa và nhanh như thế nào đối với lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga.

Và một điều quan trọng khác, các điều khoản của một lệnh ngừng bắn phải như thế nào.

Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times vào tuần trước, Tổng thống Zelensky nói rằng, việc giành lại chủ quyền hoàn toàn trên lãnh thổ Ukraine vẫn là mục tiêu cuối cùng của ông.

Tuy nhiên, Kiev đang phải vật lộn để đẩy lùi các lực lượng Nga ở phía Đông, trong bối cảnh nước này liên tục yêu cầu Mỹ và EU cung cấp vũ khí hạng nặng hơn, tầm xa hơn, trong khi các đồng minh NATO lo lắng về việc kích động căng thẳng leo thang.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước cho biết, điều quan trọng là không "làm bẽ mặt" Nga, lặp lại một khẳng định mà ông cũng đã đưa ra vào tháng trước và khiến ông Zelensky bối rối.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường dầu toàn cầu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục gồng mình thắt chặt nguồn cung.

* Vandana Hari là người sáng lập và Giám đốc điều hành của Vanda Insights, đơn vị chuyên phân tích vĩ mô thị trường dầu mỏ toàn cầu.

(theo attaqa.net)