Kỷ lục buồn ở Pháp
Kỷ lục buồn nhất của nền kinh tế Pháp trong vòng 25 năm qua là con số khoảng 800.000 việc làm sẽ bị mất trong hai năm 2009-2010, mới được Viện quan sát tình hình kinh tế Pháp (OFCE) công bố. Chi tiết hơn, OFCE dự đoán năm 2009 khu vực tư nhân sẽ sa thải khoảng 650.000 nhân viên và thêm gần 300.000 người vào năm 2010, nâng tỷ lệ thất nghiệp từ 7,8% năm 2008 lên 9,9% và 10,7% trong năm nay và năm tới.
Tháng 3/2009, trong lúc hơn 600.000 người bị mất việc, cuộc thăm dò của cơ quan tuyển dụng Manpower cho thấy, chỉ có 4% trong số hơn 1.000 doanh nhân được hỏi có ý định thuê thêm người trong quý II. Trong khi đó, có đến 6% số doanh nhân đang có kế hoạch sa thải nhân viên. Chỉ có hai lĩnh vực được coi là có khả năng tuyển dụng là dịch vụ công cộng và nông-ngư nghiệp, riêng các ngành địa ốc, tài chính không hề tồn tại tia hy vọng nào.
Trong khi đó OFCE cho rằng, cả năm 2009 kinh tế Pháp có thể tăng trưởng âm và phải đợi đến năm 2010 may ra mới phục hồi trở lại. Trong khi đó, nước Pháp phải bảo đảm tỷ lệ tăng trưởng ít nhất 1,5% mới hy vọng giải quyết được vấn nạn thất nghiệp. Theo chuyên gia Eric Heyère của OFCE, còn quá sớm để nói đến sự phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh chính phủ không mạnh dạn tung ra các kế hoạch kích thích quy mô như ở Mỹ hay Anh.
Hy vọng tiêu tan ở Anh
Trong khi đó, bên kia bờ Manche, suy thoái kinh tế tiếp tục làm tiêu tan mọi hy vọng nhanh chóng đảo ngược tình thế của chính phủ Anh. Dự kiến, kinh tế Anh năm 2009 có thể sụt giảm hơn 4% so với năm 2008. Sản lượng công nghiệp cũng đã tụt dốc không phanh, xuống thấp hơn cả mức của năm 2003, cùng lúc thâm hụt ngân sách nhà nước tăng vọt lên gần 10% GDP. Anh cũng là một trong 3 nước phát triển công nghiệp mà ngân sách Nhà nước vượt quá ngưỡng 10%. Tổng số nợ công tương đương hơn 50% GDP.
Mối đau đầu nhất hiện nay với Thủ tướng Brown là trong lúc Anh đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II, thì các công cụ tài chính của chính quyền cũng bị giới hạn do thâm hụt ngân sách Nhà nước tăng đến mức chóng mặt: 175 tỷ bảng (khoảng 200 tỷ Euro). Do đó, theo nhiều nhà quan sát, London khó có thể tung thêm một kế hoạch kích thích kinh tế khác để hỗ trợ một số ngành nghề. Trong bối cảnh này, không một cơ quan dự báo kinh tế nào hy vọng Anh có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề thất nghiệp. Hơn thế nữa, giới đầu tư lo ngại sớm muộn gì chính quyền cũng sẽ bắt buộc phải tăng thuế.
Hiệu quả mờ nhạt ở Đức
Nhiều quốc gia khác trong EU cũng đang nỗ lực giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người dân. Tại nhiều nơi, tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng thêm từ 1 đến 2 điểm phần trăm trong hai năm sắp tới. Phần lớn, nhân viên bị mất việc do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa chững lại. Tại Pháp, chỉ số tiêu dùng hàng năm tăng từ 2-2,5%, riêng 2009 chỉ số này tăng rất chậm, chỉ tăng khoảng 0,5%. Nhưng dù sao chỉ số này cũng vẫn tăng tại Pháp, chứ không đến nỗi thụt lui như ở một vài nơi khác.
Cùng lúc, Đức, quốc gia đầu tàu kinh tế của EU, đang phát đi nhiều tín hiệu trái ngược: chỉ số lòng tin của các hộ gia đình trong tháng 4/2009 tương đối vững, và dự đoán Đức có thể duy trì được đà này trong tháng 5. Thành quả này có được một phần nhờ vào các biện pháp kích cầu tiêu dùng của chính phủ, chẳng hạn thưởng tiền để khuyến khích người dân mua xe hơi mới, bơm thêm vốn cho ngành công nghiệp ôtô. Tuy nhiên, dù mức tiêu thụ trong nước gia tăng, nhưng về phía các doanh nghiệp thì hoạt động đầu tư đã tuột dốc đáng kể. Nhiều nhà phân tích dự đoán, tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế số một EU sẽ sụt giảm 6% trong năm 2009.
Phan Nguyễn