📞

EU đơn độc trong JCPOA

18:57 | 02/06/2018
Mỹ rút, Nga, Trung hờ hững khiến nỗ lực của Anh, Pháp và Đức nhằm níu kéo Iran tuân thủ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) chưa đạt được nhiều kết quả.

Ngày 25/5, đại diện ngoại giao những nước P5+1 (trừ Mỹ) gồm Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh cùng Đức đã họp với Iran tại thủ đô Vienna, Áo để bàn về việc cứu vãn JCPOA trên bờ vực sụp đổ. Phát biểu sau cuộc họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi cho biết các bên đều bày tỏ mong muốn bảo toàn thỏa thuận hạt nhân, bất chấp quyết định rút lui đơn phương của Mỹ trước đó.

Tuy nhiên, phía Iran cũng nhấn mạnh rằng trước những tác động xấu của lệnh trừng phạt mà Washington vừa tái áp đặt, Tehran cần có sự đảm bảo từ phía các bên ký thỏa thuận, nhằm duy trì lợi ích kinh tế của quốc gia này như duy trì nhập khẩu dầu từ quốc gia Trung Đông, đầu tư nước ngoài và cam kết tín dụng ngân hàng. Nói cách khác, Liên minh châu Âu (EU) cùng Trung Quốc và Nga sẽ phải bù đắp cho những khoảng trống mà Mỹ để lại, nhằm “chiều lòng” Iran. Song cho đến thời điểm hiện tại, khi mà Bắc Kinh và Moscow vẫn lưỡng lự, Brussels đang tỏ ra “đuối sức” trong việc đáp ứng yêu cầu của Tehran. Vậy những điều kiện Iran đưa ra cho phía EU là gì?

Thế khó của châu Âu

Đầu tiên, Anh, Pháp và Đức cần cam kết từ bỏ đối thoại về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran hay sự ổn định ở Trung Đông. Điều này nhằm đảm bảo Tehran sẽ rảnh tay thực hiện chiến lược của mình ở khu vực, tập trung đối phó với những bước đi của Washington và Tel Aviv tại Syria. Bên cạnh đó, nó cũng cho phép Iran “nắm đằng chuôi”, có thể tái khởi động chương trình phát triển tên lửa đạn đạo bất cứ lúc nào mà không gặp phải sự dò xét từ các quốc gia EU.

Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức cùng Cao ủy Liên minh châu Âu về vấn đề đối ngoại Federica Mogherini và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif sau một buổi họp ngày 15/5. (Nguồn: AP)

Thứ hai, các ngân hàng châu Âu cần tiếp tục duy trì và bảo đảm an toàn cho các giao dịch với Iran. Đây là một trong những điểm lợi hiếm hoi trong thỏa thuận mang tính một chiều này. Tuy các ngân hàng lớn ở châu Âu đã quay lưng với Tehran do lo sợ lệnh trừng phạt từ Mỹ, nhiều ngân hàng nhỏ, đặc biệt là tại Đức, đang tận dụng cơ hội để mở rộng giao thương với quốc gia Trung Đông này. Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015, xuất khẩu của Đức sang Iran đã tăng mạnh, đạt con số 2,6 tỷ Euro năm 2017. Do đó, duy trì giao dịch với Tehran sẽ mang lại lợi ích không nhỏ cho Berlin.

Thứ ba, các nước EU cần duy trì, thậm chí là gia tăng sản lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Iran bù đắp cho Mỹ. Trong năm 2017, châu Âu đã nhập tới 9,31 triệu tấn dầu thô từ quốc gia Trung Đông, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Thoát khỏi sự phụ thuộc về dầu mỏ từ Nga có thể là điểm cộng khi quan hệ Moscow - Brussels vẫn chưa có nhiều cải thiện, song dựa nhiều vào Tehran chưa hẳn đã là điều tốt lành cho EU. 

Cuối cùng, Iran muốn các nước EU tích cực “chống lại các cấm vận của Mỹ”, cũng như tham gia chỉ trích Nhà Trắng vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc về ủng hộ JCPOA. Đây có lẽ là yêu cầu khó khăn nhất trong danh sách, đặc biệt khi quan hệ Brussels - Washington đang ít nhiều rạn nứt. Nỗ lực ngoại giao từ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không thể lay chuyển quyết định đưa Mỹ rời JCPOA, hay quyết định từ chối miễn thuế nhập khẩu vĩnh viễn cho EU của Tổng thống Donald Trump. Chỉ trích chính sách của Washington về Iran tại Liên hợp quốc chỉ càng khiến quan hệ hai bên đi vào bế tắc.

Muối có bỏ bể?

Trước mắt, điều duy nhất Anh, Pháp và Đức có thể làm là cố gắng đáp ứng các yêu cầu của phía Iran, nhằm duy trì sự tham dự của quốc gia Trung Đông này trong JCPOA. Đây cũng là nội dung được Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini nhấn mạnh trong cuộc họp với Hội đồng Ngoại trưởng EU ngày 28/5. Theo bà, cách tốt nhất để khiến Iran không phát triển vũ khí hạt nhân là giữ quốc gia này trong JCPOA. Bà khẳng định: “Đối với chúng tôi, động thái này không nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế, mà hướng tới duy trì an ninh”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho rằng ngay cả khi người châu Âu tỏ ra “rất nghiêm túc” trong những nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tehran “nghi ngờ năng lực của EU để thực hiện điều này”. Tuyên bố này cũng phần nào ám chỉ việc Nga và Trung Quốc chưa đóng góp tích cực vào việc níu kéo JCPOA, ngay cả sau hai chuyến làm “thuyết khách” của Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Bắc Kinh và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Moscow. Người ta đang mong chờ Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có những cuộc đối thoại chủ động, tích cực với lãnh đạo Iran nhân thượng đỉnh giữa các nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, diễn ra tại thành phố Thanh Đảo vào hai ngày 9 - 10/6 tới.

Tuy nhiên, cho đến lúc đó, EU vẫn đang tỏ ra đơn độc trên mặt trận đàm phán với Iran và nỗ lực nhằm duy trì JCPOA của Brussels dường như vẫn chỉ là “muối bỏ bể” so với danh sách các yêu cầu từ phía Tehran.