EU đang nỗ lực giảm sự phục thuộc vào dầu Nga. Trong ảnh: Công nhân xây dựng các bể chứa LNG tại Isle of Grain, Đông Nam nước Anh. (Nguồn: CNN) |
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào Moscow về năng lượng.
Đến ngày 30/5, các nhà lãnh đạo EU đã ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga trong một thỏa thuận có sự thỏa hiệp với Hungary để trừng phạt Moscow.
Để thay thế khí đốt Nga, các nước EU đang chạy đua nhằm mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Nhưng theo một phân tích gần đây của Rystad Energy - công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập có trụ sở chính tại Oslo (Na Uy), nếu EU muốn cắt giảm 2/3 hoặc hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhu cầu toàn cầu về LNG sẽ vượt cung khoảng 26 triệu tấn vào cuối năm 2022.
Con số này tương đương với gần 7% nhu cầu LNG toàn cầu vào năm 2021.
Rystad Energy cho biết thêm: “Bằng cách 'xa lánh' khí đốt của Nga, châu Âu đã gây bất ổn cho toàn bộ thị trường LNG toàn cầu, sau năm 2021 đầy biến động”.
Châu Âu tăng mua LNG
LNG là khí đốt đã được làm lạnh xuống -162ºC để đạt đến trạng thái lỏng. Do đó, LNG dễ dàng vận chuyển hơn đến các khu vực phụ thuộc vào nhập khẩu như EU.
Bên cạnh đó, LNG có thể được vận chuyển trên tàu chở dầu, thay vì vận chuyển qua đường ống. LNG cũng là một loại nhiên liệu sạch hơn than hoặc dầu.
Đặc biệt, LNG được sản xuất ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, Qatar, Ai Cập, Israel, Nigeria và Australia. Do vậy, EU có nhiều lựa chọn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào nguồn duy nhất.
EU đã tăng nguồn cung LNG với tốc độ chóng mặt trong những tháng gần đây. Khác với nhiều năm trước, EU hiện là điểm đến hấp dẫn nhất của dòng LNG toàn cầu, vượt qua cả châu Á về hợp đồng cung ứng giao ngay.
Theo dữ liệu từ Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), khu vực này, bao gồm cả Vương quốc Anh, đã nhập khẩu 28,2 triệu tấn LNG từ tháng 2/2022 đến tháng 4/2022 - tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Pháp và Tây Ban Nha là những khách hàng mua nhiều nhất.
Kaushal Ramesh, nhà phân tích cấp cao về khí đốt và LNG tại Rystad Energy cho rằng, sự thiếu hụt LNG sắp xảy ra. Tháng 3, EU thông báo họ sẽ tăng cường nhập khẩu LNG thêm 50 tỷ m³ LNG so với năm 2021.
Nhà phân tích Ramesh nhấn mạnh: “Điều này có thể khiến thâm hụt nguồn cung liên tục, giá LNG tăng cao".
Ngày 26/5, giá LNG giao ngay tại Đông Á đã tăng 114% so với cùng ngày năm ngoái, ở mức 22 USD/MMBTU (một triệu đơn vị nhiệt Anh)
Dữ liệu từ Cơ quan năng lượng quốc tế cho thấy, thương mại toàn cầu về LNG đã tăng 6% vào năm 2021, nhờ nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch từ châu Á. Người mua hàng có thể bị ảnh hưởng bởi việc giá tiếp tục tăng khi châu Âu mạnh tay mua LNG.
Giá LNG có mối liên hệ chặt chẽ với giá khí đốt tự nhiên của châu Âu được vận chuyển bằng đường ống.
Giá chuẩn cho hợp đồng khí đốt tương lai của châu Âu hiện đang dao động gần 30 USD/MMBTU - giảm so với mức kỷ lục 67 USD vào tháng 3/2022 - nhưng có thể tăng vọt lên 100 USD/MMBTU nếu Nga đột ngột cắt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt, như họ đã làm với Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.
Nhu cầu LNG ở châu Á có thể "sụt giảm vĩnh viễn"
Theo biên tập viên Ruth Liao của trang LNG Americas, châu Á là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất kể từ năm 2010, nhưng các quốc gia trong khu vực này khó cạnh tranh với các nền kinh tế giàu có hơn ở châu Âu.
Bà Ruth Liao nói: “Mùa Đông tới vẫn là một rủi ro lớn khi nhu cầu mua LNG ở châu Âu và châu Á tăng cao".
Nhà phân tích Ramesh cũng cho rằng, các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do LNG được chuyển hướng sang châu Âu.
Eric Heymann, nhà kinh tế cấp cao tại Deutsche Bank nhận thấy, người mua nên ký các thỏa thuận cung ứng dài hạn.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích Vortexa, kể từ tháng 11/2021, Ấn Độ và Pakistan đã giảm nhập khẩu LNG 15% vì giá tăng. Do đó, nhu cầu ở châu Á có thể bị "sụt giảm vĩnh viễn".
Một số quốc gia phải tăng cường sử dụng than và dầu. Trong khi đó, những quốc gia khác có thể đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Mỹ, Qatar, Australia hưởng lợi?
Giá cao hơn mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu LNG lớn, bao gồm Mỹ, Qatar và Australia.
Gần đây, Mỹ và EU đã ký một thỏa thuận đến năm 2030, trong đó Mỹ sẽ vận chuyển bổ sung mỗi năm 50 tỷ m3 LNG đến châu Âu, nhiều hơn gần 50% so với khả năng xuất khẩu hiện tại của nước này.
Theo công ty phân tích năng lượng Vortexa, châu Âu đã nhập khẩu khoảng 45% LNG từ Mỹ trong hai tháng qua. Trong khi đó, Qatar đã cung cấp cho khối này hơn 1/5 nhu cầu.
Felix Booth, người đứng đầu về LNG tại Vortexa tiết lộ: "Gây tranh cãi hơn, 13,5% LNG của châu Âu vẫn đến từ Yamla LNG - dự án khai thác khí đốt lớn nhất của Nga tại Bắc Cực, nằm ở vùng Tây Bắc Siberia".
Một loạt dự án LNG mới đang cố gắng tận dụng nhu cầu cấp thiết của châu Âu về nguồn năng lượng, bao gồm cả ở Đức, quốc gia vẫn nhận 35% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Tháng 2/2022, Đức, nền kinh tế đầu tàu của EU và cũng là nước phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt nhập khẩu của Nga, lên kế hoạch xây dựng hai trạm nhập khẩu LNG đặt tại Brunsbuettel và Wilhelmshaven. Berlin từ chỗ chỉ nhập khẩu nhỏ giọt LNG giờ chuyển sang ký kết hợp đồng dài hạn với Qatar, nhà cung ứng LNG lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, RWE - một trong những công ty năng lượng lớn của Đức đã sẵn sàng ký một thỏa thuận cung cấp LNG 15 năm với Sempra - nhà sản xuất LNG của Mỹ.
Nhưng các nhà sản xuất không thể xây dựng kho bãi đủ nhanh để nhập khẩu LNG, ngăn chặn sự thiếu hụt khí đốt trong mùa Đông tới.