Chuyên gia của dự án hỗ trợ các cán bộ địa phương trong buổi tập huấn. (Nguồn: ARISE+ Việt Nam) |
Dự án nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ bảo vệ thực vật địa phương để qua đó cán bộ kỹ thuật có thể hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong sản xuất các sản phẩm trái cây có múi có chất lượng xuất khẩu.
Khóa tập huấn sẽ diễn ra từ ngày 11-20/10 tập trung vào các nội dung: Giúp cán bộ kỹ thuật hiểu đầy đủ và sâu hơn về các đối tượng dịch hại chính trên cây có múi, từ đó nâng cao năng lực cán bộ bảo vệ thực vật địa phương, nhằm hỗ trợ nông dân trong sản xuất các sản phẩm trái cây có múi có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; Hướng dẫn cán bộ kỹ thuật phương pháp điều tra, thu mẫu giám định chính xác các đối tượng sinh vật gây hại chính, đồng thời thảo luận đưa ra các biện pháp phòng chống hiệu quả theo cách có lợi cho sức khỏe của cây trồng và môi trường.
Ngoài bài giảng và thực hành trên lớp, khóa tập huấn sẽ bao gồm cả đi thực địa để các cán bộ kỹ thuật được hướng dẫn tại chỗ về những triệu chứng phát hiện các loài sinh vật gây hại và thực hành các quy trình lấy mẫu.
Khóa tập huấn có tham gia của cán bộ các Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), đại diện Cục Bảo vệ Thực vật và đại diện dự án ARISE+ Việt Nam.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, cây trồng có múi có là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam và cũng là những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng. Để hỗ trợ việc kiểm soát sinh vật gây hại trên loại cây trồng này, cần xây dựng năng lực của các cán bộ bảo vệ thực vật địa phương trong việc xác định thành phần sinh vật gây hại, triệu chứng gây hại và biện pháp phòng trừ an toàn, hiệu quả.
Vì nhiều lý do, người trồng cây có múi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của sinh vật gây hại, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu khiến nhiều loại sinh vật gây hại mới xuất hiện hoặc diễn biến khó lường.
Việc thiếu hiểu biết về xác định đúng loài và biện pháp kiểm soát phù hợp có thể dẫn đến tình trạng sử dụng mất cân bằng giữa thuốc bảo vệ thực vật và phân bón… gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, thổ nhưỡng cũng như môi trường, và điều này lại làm gia tăng tác động tiêu cực của sinh vật gây hại tới cây có múi.
Vì vậy, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho cán bộ kỹ thuật địa phương để những cán bộ này hỗ trợ người nông dân sản xuất sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay Cục Bảo vệ Thực vật vẫn còn thiếu nguồn lực cần thiết để có thể hỗ trợ tập huấn cho cán bộ tại nhiều địa phương.
Dự án “Hỗ trợ liên quan đến thương mại dành cho Việt Nam” (ARISE+ Việt Nam) do EU tài trợ góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua hỗ trợ có mục tiêu cho cả hai khu vực công và tư. EU hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thu được lợi ích từ các cam kết thương mại song phương và khu vực mới, đặt trọng tâm vào việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Đối tác chính của Dự án là Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. |