Ngày 14/3, Ủy viên phụ trách dịch vụ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis cho biết một tỷ lệ tiền gửi nước ngoài cao có thể là chỉ báo về nguy cơ rửa tiền cao và chỉ số này nên được giảm ở các quốc gia không giám sát chúng đúng cách, trong bối cảnh EU đang phải vật lộn với hàng loạt vụ bê bối tài chính tại các ngân hàng của các quốc gia thành viên.
Tiền gửi từ các đối tượng không cư trú có tỷ lệ rất cao ở các quốc gia như Latvia, Malta hay Cộng hòa Cyprus, nơi xuất hiện nhiều nhất các cáo buộc rửa tiền trong thời gian gần đây. Theo dữ liệu từ Ngân hàng trung ương châu Âu, loại tiền gửi này đã giảm sau khi các cuộc điều tra tội phạm được tiến hành.
Ủy viên EU nhấn mạnh các quốc gia châu Âu nên giám sát dòng tiền gửi nước ngoài với khuyến cáo rằng nếu các cơ chế giám sát không đủ mạnh thì một trong những cách để đối phó là giảm tỷ lệ tiền gửi không cư trú.
Các quốc gia châu Âu nên giám sát dòng tiền gửi nước ngoài, ủy viên dịch vụ tài chính Valdis Dombrovskis nhấn mạnh. (Nguồn: Pixabay) |
Latvia là một trong những nước lớn tiếng nhất ở châu Âu khi đề cập tới các rủi ro do tiền gửi nước ngoài mang lại, sau khi những cáo buộc về các giao dịch bất hợp pháp tiền có nguồn gốc Nga đã hạ bệ ABLV- ngân hàng lớn thứ 3 của quốc gia Baltic hồi năm ngoái.
Sau vụ bê bối, Riga đã đặt ngưỡng tối đa 5% đối với tiền gửi nước ngoài, vốn đã từng đạt đỉnh khi chiếm tới khoảng một nửa tiền gửi trong các ngân hàng của nước này ngay sau khi Latvia gia nhập khối các nước sử dụng đồng Euro năm 2014. Mục tiêu trên đã bị chính phủ trung hữu mới lên nắm quyền vào tháng 1 của nước này xóa bỏ, nhưng tiền gửi nước ngoài đã giảm xuống mức gần 12% trong tổng số 16 tỷ Euro tiền gửi.
Hầu hết các quốc gia khu vực đồng Euro đã chứng kiến tỷ lệ tiền gửi nước ngoài của họ giảm trong nửa cuối năm ngoái. Xu hướng trên bắt đầu ngay sau khi các công tố viên mở một cuộc điều tra vào tháng 7 tại Ngân hàng Danske vì cáo buộc rửa tiền tại chi nhánh ở Estonia - trung tâm của một trong những vụ bê bối rửa tiền lớn nhất từ trước đến nay.