Điện Biên là tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Việt Nam, có địa hình đồi núi và sông suối đa dạng. Với vẻ đẹp của di sản lịch sử và văn hoá độc đáo, Điện Biên hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho những du khách thích khám phá và trải nghiệm.
Dưới đây là một số điểm đến mà khách du lịch không nên bỏ lỡ khi đến thăm vùng đất lịch sử này.
Di tích Đồi A1
Đồi A1 nhìn từ trên cao. (Nguồn: Điện Biên TV) |
Đồi A1 thuộc quần thể di Chiến trường Điện Biên Phủ, là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng tại Điện Biên, được xây dựng vào năm 1952 với mục đích là nơi lưu trữ các tài liệu quan trọng, trang thiết bị và vận dụng quân sự. Năm 1954, đây là một trong những địa điểm chiến đấu quan trọng trong trận Điện Biên Phủ, được coi là “cuống họng” bảo vệ khu trung tâm.
Nằm ở phía Đông trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đồi A1 là điểm cao có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi phía Đông bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Tại đây, địch từng bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc.
Trận đánh tại Đồi A1 diễn ra rất ác liệt, kéo dài 39 ngày đêm, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ của ta đã hy sinh anh dũng. Trên đỉnh Đồi A1 hiện nay vẫn còn dấu tích hố bộc phá được tạo thành bởi 960kg thuốc nổ.
Đến nay, Đồi A1 vẫn còn nguyên vẹn với hệ thống đường hầm, bệ đài phòng thủ, trạm bơm nước và các công trình khác. Du khách có thể khám phá và tìm hiểu về cuộc chiến lịch sử này, đồng thời tham quan cảnh quan đẹp từ đỉnh đồi.
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên - nơi tôn vinh giá trị lịch sử của chiến thắng lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu ( Nguồn: VOV) |
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ được khởi công xây dựng từ tháng 10/2012 trên mảnh đất rộng 22.000m² và chính thức hoạt động vào ngày 5/5/2014 sau gần 2 năm thi công. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các hiện vật, hình ảnh, tư liệu và mô hình mô phỏng về cuộc chiến lịch sử quyết liệt tại Điện Biên Phủ, từ các trận đánh quyết định cho đến cuộc sống của lính chiến trận trong những ngày gian khó.
Bảo tàng được thiết kế với hình dạng nón cụt, phần ngoài được trang trí như một chiếc mũ bảo vệ của binh sĩ thời xưa. Cấu trúc của bảo tàng bao gồm một tầng hầm và một tầng trên mặt đất.
Tầng hầm chủ yếu là không gian tiếp đón khách, các hoạt động học tập và văn hóa. Tầng trên mặt đất chứa các trưng bày cố định về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đặc biệt, khi đến tham quan bảo tàng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ - sản phẩm được giới hội họa đánh giá là một trong 10 bức tranh lớn nhất thế giới sáng tác về đề tài chiến tranh, tái hiện toàn bộ Chiến dịch 56 ngày đêm “chấn động địa cầu”.
Nội dung bức tranh được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Khúc khải hoàn mừng chiến thắng. Tất cả hình ảnh, sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạch theo diễn biến của Chiến dịch, tạo cho người xem cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động.
Đèo Pha Đin
Trong tâm trí người dân địa phương, con đèo gắn liền với truyền thuyết về cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin. (Nguồn: Internet) |
Đèo Pha Đin được mệnh danh là một trong Tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc và cũng là điểm đến không thể bỏ lỡ khi tới du lịch Điện Biên. Khi đến đây, bạn cần chuẩn bị tâm lý thật vững chắc để tận hưởng cảm giác thích thú khi chinh phục những đường cua uốn lượn.
Tên "Pha Đin" trong tiếng Thái mang ý nghĩa "giao thoa giữa trời và đất", tượng trưng cho cảnh quan tuyệt đẹp nơi đây. Đèo Pha Đin nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 100km và nằm giáp ranh giữa tỉnh Điện Biên và Sơn La.
Tương truyền rằng nơi đây được vạch định là điểm ngăn cách giữa Điện Biên và Sơn La. Thời đó, người và ngựa của hai tỉnh đều cùng xuất phát trong cuộc đua. Hai bên ngang tài ngang sức, khó phân thắng bại. Đến phút cuối, ngựa của Lai Châu nhanh hơn nên đèo Pha Đin ở địa phận Điện Biên dài hơn.
Đèo Pha Đin được ví như một tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên với những khúc cua đầy mạo hiểm ở độ cao hơn 1.000m. Nhìn từ xa, đèo giống như một sợi dây thừng nối các đỉnh núi và sườn đồi một cách tuyệt vời.
A Pa Chải
Núi non trùng điệp trên A Pa Chải. (Nguồn: VOV) |
Với những du khách đam mê phượt và leo núi mạo hiểm thì A Pa Chải chính là địa điểm du lịch Điện Biên không thể bỏ lỡ. Nằm ẩn mình trong vùng cao nguyên của huyện Mường Nhé, A Pa Chải được biết đến với những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, tạo nên một khung cảnh đẹp mê ly. Ở đây còn nổi tiếng với cột mốc số 0 - điểm cực Tây của Tổ quốc ở tọa độ 22°23’53″N 102°8’51″E.
Hơn nữa, A Pa Chải còn là một trong hai điểm ngã ba Đông Dương, là nơi giao thoa của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia. Vì vậy, có một câu chuyện vui vẫn luôn được người dân bản địa kể cho du khách đến đây tham quan và ngắm cảnh rằng, khi đứng tại đây, nếu gà gáy thì cả ba quốc gia trên bán đảo Đông Dương đều có thể nghe thấy.
Du khách không chỉ đến A Pa Chải để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên mà còn để khám phá văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa. Những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Mông, Thái, H'Mông tại đây sẽ làm say đắm lòng người bởi sự gần gũi và phong phú.
Với vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ và văn hóa độc đáo, A Pa Chải Điện Biên là điểm đến lý tưởng cho những ai mong muốn tìm kiếm sự trải nghiệm mới mẻ và thư giãn giữa không gian yên bình của miền núi phía Tây Bắc Việt Nam.
Cao nguyên đá Tủa Chùa
Cao nguyên đá Tủa Chùa hiện lên đầy tráng lệ. (Nguồn: Vietnamnet) |
Cao nguyên đá Tủa Chùa nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của những khối đá khổng lồ trải dài nơi đây. Với độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển, cao nguyên đá Tủa Chùa mang lại cho du khách cảm giác như lạc vào một thế giới khác, nơi không gian mở rộng và yên bình.
Tủa Chùa là nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng với cảnh quan đa dạng từ hệ sinh thái rừng núi đến sông suối. Đặc biệt, du khách có cơ hội khám phá những hòn đá lạ mắt, được tạo thành từ hàng triệu năm trước do sự phong hóa của gió và nước, tạo nên những bức tranh độc đáo và ấn tượng.
Không chỉ là một nơi để thư giãn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên, cao nguyên đá Tủa Chùa còn là nơi lưu trữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử của Điện Biên. Các di tích cổ xưa, những ngôi chùa cổ và những câu chuyện dân gian đặc sắc sẽ làm giàu thêm trải nghiệm du lịch của du khách.
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé
Rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được bảo vệ tốt. Một góc ảnh chụp xã Chung Chải, xã là nơi vùng đệm của Khu bảo tồn. |
Không giống như dãy A Pa Chải, đường đến Mường Nhé không quá khó đi. Từ thị trấn Mường Chà, bạn chỉ cần men theo con đường lên biên giới - Mường Chà - Si Pha Phin là có thể đến khu bảo tồn này. Tính đến nay, khu bảo tồn đã có tổng diện tích gần 310.262 ha, khoảng 118.000 ha đất rừng nguyên sinh, được bao phủ bởi nhiều loại cây rừng quý hiếm.
Khi đến đây, nhìn từ trên cao xuống, bạn cảm nhận được địa điểm du lịch Điện Biên này như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Bạn sẽ thấy những sắc xanh rực rỡ xen lẫn sắc vàng của hoa dã quỳ. Trên quá trình lên đến đỉnh núi, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những loài cây khác nhau với kích thước to, nhỏ, lớn, bé vô cùng đa dạng.
Theo nghiên cứu, khu bảo tồn có khoảng 37 loại động vật quý hiếm như gấu chó, hổ, báo, sói đỏ, tê tê... Nơi đây còn sở hữu hơn 308 loài thực vật có giá trị cao về mặt khoa học, trong đó có hơn 68 loài thuốc nam quý hiếm.
Nếu như Điện Biên xưa được biết đến là cứ điểm cách mạng, gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thì Điện Biên ngày nay là sự giao thoa giữa tinh thần cách mạng, truyền thống lịch sử, văn hóa với nét hiện đại, năng động trong thời kỳ hội nhập. Hơn 60 năm sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Điện Biên đang vươn mình phát triển, khắc phục những khó khăn của một tỉnh miền núi biên giới và từng bước thay da đổi thịt trên nhiều phương diện, trong đó ngành du lịch hứa hẹn sẽ được phát triển xứng với tiềm năng.
| Khi tiếng ca, điệu múa vượt hàng nghìn km để về với Điện Biên 37 đội tuyên truyền lưu động theo tiếng ca, điệu múa vượt qua hàng nghìn km về với Điện Biên, qua đó góp phần tuyên ... |
| Trận địa chiến hào làm nên Chiến thắng Điện Biên phủ Bằng những chiếc cuốc, xẻng thô sơ, quân dân ta đã đào nên những tuyến đường hào trục hình vòng cung từ Đông sang Tây, ... |
| 30 ngày đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong trận chiến Điện Biên Phủ Đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ diễn ra trong 30 ngày, từ ngày 30/3/1954 đến ngày 30/4/1954, quân ... |
| Công diễn dân vũ, điệu nhảy đường phố của học sinh, sinh viên tỉnh Điện Biên Trên nền nhạc truyền thống và hiện đại, học sinh và sinh viên trên địa bàn Điện Biên đã biểu diễn hơn 33 tiết mục, ... |
| Thêm 'cơ hội vàng' để sản phẩm OCOP của Điện Biên vươn xa Với nhiều giải pháp đồng bộ của Điện Biên, việc phát triển các sản phẩm OCOP đã và đang có những đóng góp không nhỏ ... |