Xe điện của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc XPENG được trưng bày tại triển lãm ở Stockholm, Thụy Điển. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các nhà lập pháp nghị viện Liên minh châu Âu (EU) rằng, xe ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường toàn cầu. Ngành ô tô châu Âu khó cạnh tranh vì Bắc Kinh đang đưa ra "các khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ" để giảm giá xe điện sản xuất tại châu Âu.
Khi "cuộc chiến" về giá trên thị trường xe điện trên toàn cầu ngày càng nóng lên, "số phận" của ngành năng lượng mặt trời của Đức có thể là một ví dụ về điều gì có thể xảy ra nếu EU đánh giá thấp thách thức của Trung Quốc.
Theo DW, công nghệ năng lượng mặt trời chủ yếu được phát triển ở châu Âu - đặc biệt là ở Đức. Ngành năng lượng mặt trời tại "đầu tàu" châu Âu được trợ cấp bởi chính phủ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã áp dụng mô hình này nhưng nhanh hơn và rẻ hơn.
Ngày 13/9, EU chính thức thông báo sẽ bắt đầu cuộc điều tra về những tác động từ chính sách trợ cấp của Bắc Kinh đối với các nhà sản xuất xe điện trong việc chiếm lĩnh thị trường châu Âu.
Trước đó, vào tháng 5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, khối 27 thành viên không nên để cho Bắc Kinh "mặc sức hoành hành tại thị trường xe điện - giống như thị trường pin mặt trời".
Xe điện nhận trợ cấp quá nhiều
Gần đây, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã công bố một đợt "tấn công" bán hàng lớn về ô tô điện châu Âu.
Theo Reuters, trong 7 tháng đầu năm nay, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc là BYD, Nio và Xpeng đã bán được 820.000 xe ở châu Âu, tăng khoảng 55% so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc ở châu Âu đã tăng lên 13% trong năm 2023, từ mức 6% vào năm 2021.
Ủy ban Châu Âu cho biết thị phần xe điện Trung Quốc ở châu Âu có thể đạt 15% vào năm 2025 nếu tốc độ hiện tại được duy trì.
Công ty tư vấn ô tô Pháp Inovev thông tin, đối với loại xe chạy hoàn toàn bằng điện, thị phần của các nhà sản xuất Trung Quốc tại Âu là khoảng 4% vào năm 2021, 6% vào năm 2022 và 8% từ đầu năm 2023. Công ty này cũng dự đoán con số sẽ tăng lên khoảng 12,5-20% vào năm 2030, với doanh số hàng năm dự kiến đạt từ 725.000 đến 1,16 triệu xe.
Nhà phân tích ô tô Paul Gong của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) nhận định: “Xe BYD Seal của Trung Quốc có giá thành thấp hơn 15% so với Model 3 của Tesla sản xuất tại Thượng Hải và thấp hơn khoảng 35% so với VW ID.3 sản xuất tại Đức. Những chi phí đó không nhất thiết là do trợ cấp của nhà nước Trung Quốc. Hiệu quả sản xuất, nguồn cung cấp linh kiện cốt lõi có thể góp phần tạo nên lợi thế về chi phí của những chiếc xe này".
Nhưng ông Gabriel Felbermayr, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Áo (WIFO) không đồng ý với ý kiến trên.
Ông chia sẻ với nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức rằng, có nhiều bằng chứng cho thấy, Bắc Kinh đang trợ cấp cho ngành công nghiệp ô tô “theo cách không phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)".
Ông Felbermayr cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không chỉ hỗ trợ sản xuất ô tô bằng trợ cấp trực tiếp mà còn có “trợ cấp gián tiếp thông qua việc thúc đẩy ngành pin và các nguyên tố đất hiếm dưới nhiều hình thức khác nhau”.
Mặc dù không có gì phải bàn cãi nghiêm túc về việc ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc được hưởng nhiều khoản trợ cấp, nhưng bức tranh tổng thể lại phức tạp hơn.
Ông Gregor Sebastian từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) ở Berlin nhận thấy: "Các nhà sản xuất ô tô quốc tế như BMW và Tesla đang sản xuất ô tô ở Trung Quốc cho cả thị trường trong nước và toàn cầu. Những công ty này đang nhận được các khoản vay ưu đãi từ các ngân hàng Trung Quốc - điều mà họ sẽ không nhận được ở bất kỳ nơi nào khác".
Phản hồi về ý kiến của EU, Bộ Thương mại Trung Quốc thông tin, các nhà sản xuất ô tô tại quốc gia này đã đạt được vị thế vững chắc "nhờ làm việc chăm chỉ" và "đổi mới công nghệ liên tục". Bộ này kêu gọi Brussels hợp tác với Bắc Kinh để tạo ra “một môi trường công bằng, không phân biệt đối xử và có thể dự đoán được”.
EU chính thức thông báo sẽ bắt đầu cuộc điều tra về những tác động từ chính sách trợ cấp của Bắc Kinh đối với các nhà sản xuất xe điện. (Nguồn: Reuters) |
Khởi nguồn cuộc chiến thuế quan
Chính phủ Pháp đã tìm cách xoa dịu tình hình bằng cách đề nghị nên bắt đầu một cuộc điều tra và tránh kết luận vội vàng.
Theo Công ty Luật Zhong Lun có trụ sở tại Bắc Kinh, thời gian điều tra tối đa đối với một vụ kiện chống trợ cấp của EU là 13 tháng hoặc ít hơn. Do vậy, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cần phải tăng tốc điều chỉnh chuỗi cung ứng nếu không muốn gánh áp lực lớn từ thuế chống trợ cấp.
Hiện tại, mức thuế đối với xe điện Trung Quốc đang là 10% ở châu Âu và 27,5% ở Mỹ.
DW nhận định, nếu EU áp thuế đối với ô tô điện từ Trung Quốc, VW và BMW sẽ phải trả nhiều thuế hơn khi xuất khẩu sang EU, khiến ô tô của họ thậm chí còn đắt hơn ở châu Âu.
Hơn nữa, các công ty châu Âu cũng hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô của họ. Nhà phân tích Sebastian của MERICS cho biết. “Trong quý đầu tiên của năm nay, 40% trợ cấp của nhà nước Pháp dành cho ngành ô tô đã được chi cho ô tô sản xuất tại Trung Quốc".
Nhìn về tương lai, ông Gabriel Felbermayr của WIFO lo ngại rằng, nếu thuế chống trợ cấp của EU thực sự thành hiện thực, “Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa và cáo buộc EU về các hành vi tương tự. Điều này sẽ diễn ra tương tự như tranh chấp giữa Airbus và Boeing, trong đó cả hai bên đều cho rằng họ đúng".
Nhà báo Chris Bryant của hãng tin Bloomberg Opinion thì cho rằng, các nhà sản xuất ô tô châu Âu nên nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh của mình thay vì “thách thức” sự trả đũa từ Trung Quốc.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Stellantis Carlos Tavares nêu quan điểm, Brussels nên tăng cường hỗ trợ các nhà sản xuất “cây nhà lá vườn”. Các công ty phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng ở Trung Quốc - chủ yếu là Volkswagen, BMW và Mercedes - sẽ mất nhiều hơn nếu quan hệ thương mại Trung Quốc-EU trở nên tồi tệ.