📞

EU rốt ráo hành động khẩn, tăng cường năng lực quân sự, một nước Baltic hối thúc gửi quân đến Ukraine

Bảo Minh 09:33 | 20/11/2024
Ngày 19/11, tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng EU ở Brussels (Bỉ), một nhóm các quốc gia châu Âu đã nhất trí hợp tác phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, chiến tranh điện tử và các loại vũ khí quân sự khác trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa các nước.
Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng EU ở Brussels, Bỉ, ngày 19/11. (Nguồn: EDA)

Theo hãng thông tấn AFP, dù những năm gần đây, nhiều nước châu Âu đã tăng cường chi tiêu quốc phòng do xung đột Nga-Ukraine cũng như lo ngại Mỹ có thể cắt giảm cam kết bảo vệ lục địa, song theo các quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU), việc tăng cường chi tiêu là chưa đủ.

Các nước cần hợp tác phát triển và mua sắm vũ khí chung để nâng cao hiệu quả, giảm sự phân tán trong thị trường quốc phòng châu Âu và đạt được giá trị tốt hơn từ các khoản đầu tư.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, các nỗ lực quốc gia, dù quan trọng, vẫn chưa đủ. Cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước và tăng cường chi tiêu để sẵn sàng ứng phó với các cuộc xung đột có cường độ cao.

Trong khi đó, Tổng giám đốc điều hành Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) Jiri Sedivy cho rằng: "Để trở thành nhà cung cấp an ninh đáng tin cậy, EU phải phát triển năng lực chiến lược, bao gồm cả khả năng ứng phó với các tình huống chiến tranh cường độ cao".

Theo đó, các bộ trưởng quốc phòng từ 18 quốc gia đã ký "thư bày tỏ ý định" để phát triển 4 chương trình. Cụ thể, 18 nước, bao gồm Đức, Pháp, Italy, Cyprus và Luxembourg, đã tham gia hợp tác về hệ thống phòng không, trong khi 17 quốc gia sẽ phối hợp phát triển đạn tuần thám, 14 nước tập trung vào chiến tranh điện tử và 7 quốc gia hợp tác phát triển tàu chiến châu Âu.

Các sáng kiến này bao gồm việc mua sắm chung ngắn hạn, hiện đại hóa và nâng cấp trung hạn, cũng như phát triển năng lực dài hạn để đáp ứng các thách thức trong tương lai.

Mặc dù chưa công bố giá trị tài chính cụ thể cho các sáng kiến hoặc danh sách các công ty tham gia, EDA cho biết, mục tiêu chính là cải thiện khả năng phòng thủ chung của châu Âu, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung quốc phòng từ bên ngoài, đồng thời nâng cao tính tự chủ chiến lược của khu vực.

Liên quan xung đột ở Ukraine, cùng ngày 19/11, trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Tài chính (FT), Ngoại trưởng Estonia Margus Tsakhna cho rằng, tư cách thành viên NATO của Ukraine là sự đảm bảo đáng tin cậy nhất cho an ninh của Kiev, song nếu không có sự đồng ý của Mỹ thì điều này gần như không thể thực hiện được.

Theo quan chức trên, nếu Washington phản đối việc Kiev gia nhập NATO, châu Âu cần chủ động triển khai quân đội trên lãnh thổ Ukraine sau khi kết thúc các hành động nhằm ngăn chặn các hành động có thể xảy ra của Nga.

Ông Tsakhna cũng bày tỏ lo ngại rằng, lời hứa của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về việc nhanh chóng chấm dứt xung đột có thể dẫn đến những thỏa thuận không công bằng, làm suy yếu quốc gia Đông Âu.