Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. (Nguồn: EPA-EFE) |
Theo hãng tin Reuters, trong một thông báo trên Twitter, Ngoại trưởng Kuleba nêu rõ: "Chúng tôi đã thảo luận về việc chuẩn bị gói trừng phạt thứ 5 của EU nhằm vào Nga”.
Ông khẳng định, “áp lực sẽ tiếp tục gia tăng” cho tới khi Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự, đồng thời cho biết, Kiev cũng đã thảo luận với EU về việc bảo vệ và giúp đỡ những người Ukraine tới các quốc gia của khối này lánh nạn.
Tuy nhiên, cùng ngày, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga (CCI) Sergey Katyrin nhận định, các nước thành viên EU sẽ thiệt hại ít nhất 500 tỷ Euro (khoảng hơn 553,5 tỷ USD) khi chấm dứt quan hệ thương mại với Moscow và rút các khoản đầu tư lẫn nhau.
Hãng tin TASS của Nga dẫn lời ông Katyrin phân tích: "Những 'cái đầu nóng' thúc giục các nước EU cắt đứt mọi hợp tác kinh tế với Nga. Điều này sẽ khiến EU thiệt hại ít nhất khoảng 500 tỷ Euro, trong khi đó là những mối quan hệ đôi bên cùng có lợi".
Ông lưu ý, điều hợp lý nhất trong thời điểm đầy thử thách này là giữ được nguồn vốn tích lũy từ các mối quan hệ kinh doanh và con người.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cảnh báo, một lệnh cấm ngay lập tức trên toàn EU đối với việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ gây thiệt hại ít nhất 70 tỷ Bảng (khoảng hơn 92,2 tỷ USD) cho nền kinh tế Anh, đẩy các nền kinh tế trên khắp châu Âu rơi vào suy thoái.
Cảnh báo của ông Sunak được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các đồng minh phương Tây áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hydrocacbon của Nga.
Anh hiện đang phải vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát và giá thực phẩm, xăng dầu tăng cao. Ước tính chỉ riêng giá năng lượng tăng đã đặt gánh nặng lên tới 38 tỷ Bảng cho các hộ gia đình ở "xứ sở sương mù" vào cuối năm nay.
Bộ Tài chính Anh đã chi hàng tỷ bảng để hỗ trợ các gia đình ở nước này thanh toán hóa đơn năng lượng, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục theo dõi những tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với chi phí sinh hoạt tại nước này.
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Berenberg (Đức), Kallum Pickering, cho biết nếu nguồn cung dầu cho thị trường thế giới của Nga - hiện chiếm 11% tổng nguồn cung toàn cầu - bị cắt giảm một cách đáng kể, cú sốc nguồn cung toàn cầu có thể tác động nghiêm trọng hơn đến kinh tế Anh và khiến tốc độ phục hồi chậm hơn nhiều.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga như một phần của gói trừng phạt lớn hơn của phương Tây đối với "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.
Cùng thời điểm, Anh tuyên bố sẽ cắt giảm toàn bộ lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào cuối năm, song chưa thể hiện rõ quan điểm về nhập khẩu khí đốt của Nga.
Trong khi đó, EU thông báo kế hoạch giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm. Tuy nhiên, trong tuần trước, hơn 100 thành viên Nghị viện châu Âu đã ký một lá thư kêu gọi lệnh cấm của EU có hiệu lực ngay lập tức, bất chấp sự phụ thuộc của nhiều nước vào nhập khẩu dầu khí từ Nga.
Hiện Nga đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt và 25% dầu thô của EU, trong khi Anh và Mỹ ít phụ thuộc hơn vào Nga. Nhập khẩu dầu mỏ từ Nga chỉ chiếm 8% tổng lượng nhập khẩu của Anh.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) ước tính việc giảm 10% lượng khí đốt cung cấp cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ kéo theo mức sụt giảm 0,7% GDP của khu vực.
| NATO khẳng định hiểu 'sự thất vọng và tuyệt vọng' của Ukraine, ra lời hứa Ngày 17/3, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, ông hiểu "sự thất vọng và tuyệt ... |
| Xung đột Ukraine: Căng thẳng Nga-phương Tây và thế khó xử của Trung Quốc Khi phương Tây đối đầu với Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine, Trung Quốc bị đặt vào ... |