Trong bối cảnh xung đột Ukraine, trước áp lực từ những lời kêu gọi phản đối Nga, liệu Trung Quốc có thể cân bằng trong quan hệ và duy trì các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. (Nguồn: Getty) |
Trước áp lực từ những lời kêu gọi phản đối Nga, liệu Bắc Kinh có thể cân bằng trong quan hệ và duy trì các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra?
Thách thức mục tiêu tăng trưởng
Theo tác giả Yukon Huang trong bài viết mới đây trên carnegieendowment.org (Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế - Carnegie Endowment for International Peace (CEIP), Trung Quốc, với tư cách là quốc gia có kim nghạch thương mại lớn nhất và là nước nhận đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 thế giới, được coi là đối tác dễ bị tổn thương hơn trước các lệnh trừng phạt vì phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống tài chính đa phương.
Mặc dù vậy, với thâm hụt tài chính có thể kiểm soát được, tỷ lệ lạm phát khiêm tốn và dự trữ quốc tế dồi dào, Bắc Kinh có thể vượt qua những tác động tài chính từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nhưng tăng trưởng GDP là một vấn đề khác. Mục tiêu 5,5% của Trung Quốc cho năm nay có thể khiêm tốn so với mức 8,1% được ghi nhận vào năm ngoái.
Tuy nhiên, tăng trưởng hằng quý của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã giảm xuống 4% vào cuối năm 2021, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng các tổ chức khác cũng dự báo con số này chỉ ở mức gần 5% vào năm 2022.
Bắc Kinh thường thận trọng trong việc đặt ra các mục tiêu tăng trưởng, nhưng năm nay thì khác. Nước này chú trọng thúc đẩy phát triển ổn định và đảm bảo nền kinh tế phục hồi.
Nhưng sau khủng hoảng bất động sản Evergrande, nước này không còn có thể trông chờ vào sự phục hồi của thị trường địa ốc, vốn đã từng là động lực tăng trưởng. Trong khi đó, tiêu dùng cá nhân vẫn còn thấp, do những bất ổn của đại dịch và chính sách “Zero Covid”.
Thêm vào đó, một biện pháp kích thích cơ sở hạ tầng do các chính quyền địa phương thực hiện là khó khả thi, do doanh thu bất động sản sụt giảm và lo ngại về việc nắm giữ nợ bằng trái phiếu.
Hơn nữa, các đợt bùng phát đại dịch mới đã dẫn đến việc tiếp tục đóng cửa biên giới, các nhà máy ngừng sản xuất. Do vậy, triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay có nhiều thách thức.
Để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng, Bắc Kinh đã nâng mức thâm hụt tài khóa, kết hợp với ngân sách quốc gia để có thể triển khai một chương trình kích thích mới. Nhưng điều này sẽ không đủ.
Cuộc khủng hoảng Ukraine có nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống 4,5%, hoặc thậm chí thấp hơn. Đối với nền kinh tế mà một thập niên trước đang phát triển với tốc độ hai con số như Trung Quốc, việc rơi vào phạm vi 4% sẽ đánh dấu giai đoạn đáng lo ngại trong quá trình phát triển kinh tế.
Năng lượng, hàng hóa đồng loạt tăng giá và gián đoạn chuỗi cung ứng là ba yếu tố chính góp phần vào sự sụt giảm này.
Bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng
Nga là nước cung cấp năng lượng lớn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trước mức độ nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, bao gồm cả việc giảm dần quy mô nhập khẩu khí đốt và dầu từ nước này, Moscow phần nào bị “sốc”.
Tin liên quan |
Khủng hoảng Ukraine: Phương Tây trừng phạt Nga - Gậy ông đập lưng ông? |
Trước cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga cung cấp khoảng 1/4 lượng dầu nhập khẩu của Liên minh châu ÂU (EU) và 15% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Xuất khẩu khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% nhu cầu của châu Âu, trong đó Đức và Italy là những nước phụ thuộc nhiều nhất.
Vị trí của các đường ống hiện tại đang hạn chế các lựa chọn của châu Âu nếu dòng khí đốt từ Nga bị “khóa”. Trong khi đó, Trung Quốc dựa vào một đường ống duy nhất để nhập khẩu khí đốt từ Nga. Hiện nay, một đường ống thứ hai dẫn khi đốt từ Nga sang nền kinh tế lớn nhất châu Á đang được xây dựng.
Tất nhiên, Trung Quốc cũng có các lựa chọn khác nếu nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga bị gián đoạn, nhưng giá tăng cao sẽ làm giảm tiêu dùng và đầu tư của nước này.
Chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng trước cuộc khủng hoảng Ukraine, giờ đây lại thêm sự đứt gãy trong các liên kết giao thông Âu-Á.
Vốn được ví như công xưởng sản xuất của châu Á nói riêng và thế giới nói chung, Trung Quốc còn bị nhiều thiệt hại với chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy này. Trong đó, thiệt hại về uy tín sẽ làm tình hình trở nên trầm trọng hơn, khi người mua phương Tây từ bỏ các nhà cung cấp Trung Quốc.
Nguồn nguyên liệu thô của Nga, chẳng hạn như nhôm và thép, phục vụ cho sản xuất và xây dựng giảm sẽ dẫn đến giá cao hơn và các nhà máy đóng cửa trên toàn cầu.
Các nhà sản xuất ô tô, vốn đã bị thiếu chất bán dẫn, giờ đây cần các nguồn thay thế cho bạch kim để sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác và niken cho pin trong sản xuất xe điện.
An ninh lương thực toàn cầu cũng đang gặp rủi ro do Ukraine và Nga là những nước xuất khẩu lúa mì và ngô lớn sang Trung Quốc và các nước khác.
Bắc Kinh có thể làm gì?
Xem xét các yếu tố này, Bắc Kinh dường như không có khả năng “giải cứu” Moscow. Dữ liệu của Liên hợp quốc chỉ ra rằng, Trung Quốc chỉ xuất khẩu khoảng 70 tỷ USD hàng hóa sang Nga vào năm 2021, trong khi xuất khẩu sang EU và Mỹ đạt hơn 1 nghìn tỷ USD.
Bắc Kinh sẽ không muốn mất quyền tiếp cận các thị trường phương Tây do vi phạm các lệnh trừng phạt.
Trung Quốc có thể hấp thụ một phần doanh số bán khí đốt của Nga, nhưng số lượng bị hạn chế bởi quy mô của đường ống hiện có và nước này sẽ không bổ sung vào kho dự trữ dầu của mình nếu không có chiết khấu.
Bắc Kinh có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính, khi người Nga chuyển sang hệ thống UnionPay của Trung Quốc sau khi không được dùng Visa và Mastercard.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (11-17/3): EU, Nhật Bản tiếp tục 'ra đòn' với Moscow, lạm phát ở Nga cao nhất 7 năm, Ukraine vẫn sản xuất khí đốt |
Tuy nhiên, do phạm vi phủ sóng hạn chế, hệ thống thanh toán bù trừ xuyên biên giới của Trung Quốc cho các giao dịch tài chính còn khá khiêm tốn so với hệ thống tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) của phương Tây.
Hơn nữa, các ngân hàng lớn của Trung Quốc sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt vì sợ bị cắt khỏi hệ thống tài chính quốc tế.
Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga sẽ chủ yếu dưới hình thức lên án các lệnh trừng phạt.
Câu chuyện này có thể thúc đẩy quan điểm của Bắc Kinh rằng, sau Nga, Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của các áp lực từ phương Tây - được biểu trưng bằng Hiệp ước an ninh Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) và Đối thoại an ninh Tứ giác (Quad) do Mỹ dẫn đầu với Australia, Ấn Độ, và Nhật Bản.
Tuy nhiên, hiệu quả hơn những thông điệp đối đầu, phương Tây có thể đưa ra những lời kêu gọi Trung Quốc xem xét lại mối quan hệ với Nga.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã phần nào che khuất thực tế rằng các liên kết kinh tế của châu Âu với Bắc Kinh vượt xa các liên kết của Mỹ. Thực tế là các khoản đầu tư của EU vào Trung Quốc đã nhiều gấp đôi so với Mỹ trong thập niên qua.
Để thuyết phục Bắc Kinh can thiệp với Moscow, EU có thể phát tín hiệu sẵn sàng khôi phục các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư song phương đã bị đình trệ.
Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn bị coi là đơn phương từ bỏ Nga, vì vậy, Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đã bày tỏ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực hòa giải chung.
Ngoài ra, Washington có thể bắt đầu bằng cách cắt giảm thuế quan liên quan đến căng thẳng thương mại vốn bị nhiều người coi là không hiệu quả.
| Kinh tế thế giới nổi bật (11-17/3): EU, Nhật Bản tiếp tục 'ra đòn' với Moscow, lạm phát ở Nga cao nhất 7 năm, Ukraine vẫn sản xuất khí đốt Không thể đánh giá thấp tác động của khả năng mất nguồn cung dầu từ Nga cho các thị trường toàn cầu, EU và Nhật ... |
| Nếu Nga kết thúc chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá dầu và khí đốt có còn ‘cuồng loạn’? Ngoài các sàn giao dịch, sự “cuồng loạn” giá cả hàng hóa vẫn chưa xuất hiện rộng rãi. Tuy nhiên, sự bình lặng này khó ... |