📞

EU vạch ra 5 ưu tiên chính về an ninh-quốc phòng, yêu cầu các thành viên thực hiện khẩn

Bào Minh 09:32 | 29/05/2024
Ngày 28/5, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra ở Brussels (Bỉ), thông qua các kết luận về an ninh và quốc phòng.
Các bộ trưởng quốc phòng EU tại hội nghị ngày 28/5 ở Brussels, Bỉ. (Nguồn: DPA)

Kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, vai trò của EU trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng đã được củng cố đáng kể dựa trên sáng kiến "La bàn chiến lược" và Tuyên bố Versailles hồi tháng 3/2022.

Tuy nhiên, EU vẫn cần phải tiếp tục nâng cao khả năng sẵn sàng phòng thủ và củng cố chủ quyền của mình.

Hãng tin DPA của Đức cho hay, theo kết luận cuộc họp trên, các bộ trưởng quốc phòng EU đề ra 5 ưu tiên chính cho giai đoạn tới và kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện khẩn cấp.

Theo đó, "sự ủng hộ kiên định của EU đối với Ukraine” được đặt lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên, đồng thời liên minh cam kết sẽ tiếp tục cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết về chính trị, tài chính, kinh tế, nhân đạo, quân sự và ngoại giao cho Kiev.

Các công cụ hỗ trợ bao gồm Quỹ Hỗ trợ Ukraine thuộc Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF) và Phái bộ Hỗ trợ quân sự của EU (EUMAM Ukraine).

Xếp thứ 2 trong danh sách 5 ưu tiên là tăng cường năng lực công nghiệp của EU để sản xuất vũ khí và công nghệ phòng thủ.

Theo khối này, cần đảm bảo sự sẵn có các sản phẩm quốc phòng và củng cố Cơ sở công nghiệp và công nghệ quốc phòng (EDTIB) của EU. Điều này bao gồm cải thiện khả năng tiếp cận tài chính công và tư cho EDTIB và tăng cường hợp tác với cơ sở công nghiệp, công nghệ quốc phòng của Ukraine.

vị trí thứ 3 là cho phép EU làm nhiều hơn trong lĩnh vực chính sách an ninh và quốc phòng, vốn chủ yếu là vấn đề quốc gia.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng hoan nghênh các nhiệm vụ và hoạt động của Chính sách an ninh và quốc phòng chung (CSDP) của EU trên toàn thế giới, bao gồm việc ra mắt sứ mệnh EUNAVFOR ASPIDES - lực lượng hải quân tập hợp để chống lại hoạt động buôn người ở Địa Trung Hải.

Hội đồng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của EPF như một công cụ hỗ trợ toàn cầu, khuyến khích các quốc gia thành viên đóng góp vào năng lực triển khai nhanh của EU vào năm 2025.

Ở vị trí ưu tiên thứ 4, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phòng ngừa, phát hiện, răn đe và phản ứng của EU đối với chiến tranh hỗn hợp, trong đó có các mối đe dọa như tấn công mạng và thông tin sai lệch.

EU cũng đánh giá, các lĩnh vực không gian, hàng hải và hàng không có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh và quốc phòng của liên minh này.

Cuối cùng, EU sẽ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc các mối quan hệ đối tác phù hợp với các giá trị và lợi ích chung, điển hình là sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Liên hợp quốc về hòa bình và an ninh, cũng như quan hệ đối tác chiến lược với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các ưu tiên trên được Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng EU đưa ra trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới phức tạp chưa từng có với nhiều mối đe dọa và thách thức chồng chéo, điển hình như cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình hình leo thang căng thẳng ở Trung Đông, vùng Sahel và nhiều khu vực khác trên thế giới.