Xung đột Nga-Ukraine: EU vẫn chưa thống nhất về gói trừng phạt thứ 6 đối với Moscow. (Nguồn: Getty) |
Trước đó, lập luận rằng việc cấm vận dầu Nga sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của mình, Budapest đã ngăn nỗ lực nhằm cấm xuất khẩu mặt hàng dầu chủ lực của Moscow - nền tảng của gói trừng phạt thứ sáu theo kế hoạch của EU.
Phát biểu sau cuộc họp với ngoại trưởng các nước EU, ông Kuleba nêu rõ: “Chúng tôi không hài lòng với thực tế chưa đạt được lệnh cấm vận dầu mỏ. Đã rõ ai là người ngăn vấn đề này. Nhưng thời gian không còn nhiều vì hằng ngày Nga vẫn tiếp tục kiếm tiền và đầu tư số tiền này vào cuộc chiến”.
Nhà ngoại giao hàng đầu Ukraine cho biết ông tin sẽ có lệnh cấm vận dầu mỏ và “vấn đề duy nhất là thời điểm nào”.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi EU chuyển sang gói trừng phạt thứ bảy để đối với hàng xuất khẩu của Nga và giáng một đòn mạnh vào ngân khố của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
EU đang nỗ lực để tránh chia rẽ khi đối mặt với xung đột Nga-Ukraine, trong khi các quan chức đang cố tìm kiếm một thỏa hiệp với Hungary.
Liên minh đã đề nghị Hungary, Czech và Slovakia một giai đoạn dài để loại bỏ nhập khẩu dầu của Nga nhưng điều đó vẫn không thể thuyết phục Budapest.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã yêu cầu được miễn lệnh cấm vận trong ít nhất 4 năm cùng với 800 triệu Euro (830 triệu USD) để tái thiết một nhà máy lọc dầu và tăng năng lực của tuyến đường ống dẫn đến Croatia.
Trước đó cùng ngày, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell xác nhận EU vẫn chưa thống nhất về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga.
Phát biểu với phóng viên sau cuộc họp với ngoại trưởng các nước EU, ông Borrell nêu rõ: "Thật đáng tiếc, chúng tôi vẫn chưa thể có được sự thống nhất vào ngày hôm nay".
Theo nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu, ngoại trưởng các nước EU đã quyết định cung cấp thêm 500 triệu Euro (521,27 triệu USD) để hỗ trợ Kiev mua vũ khí, nâng tổng số tiền mà EU đã dành cho mục đích đó lên thành 2 tỷ Euro (2,09 tỷ USD).