Đồng Euro đang dao động quanh mức 1,004 USD, giảm 12% so với hồi đầu năm. (Nguồn: europedirect) |
Đây là lần đầu tiên đồng Euro giảm xuống mức đó kể từ năm 2002, năm đầu tiên đồng tiền này chính thức được phát hành.
Tính đến ngày 12/7, đồng Euro dao động quanh mức 1,004 USD, giảm 12% so với hồi đầu năm.
Châu Âu đang phải hứng chịu cuộc hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua, hệ quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine, và điều này có thể dẫn đến một cuộc suy thoái sâu và kéo dài.
Bối cảnh đó đặt ECB vào tình thế khó khăn khi vừa phải nỗ lực kiềm chế lạm phát, vừa phải nâng đỡ nền kinh tế đang trên đà giảm tốc, với kế hoạch tăng lãi suất đi vay lần đầu tiên kể từ năm 2011.
Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang thúc đẩy việc tăng lãi suất nhanh hơn nhiều so với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Điều này làm cho lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn so với lợi suất trái phiếu của châu Âu, khiến các nhà đầu tư chuyển sang đồng USD và tránh xa đồng Euro.
Hơn nữa, “đồng bạc xanh” được hưởng lợi từ vị thế vốn có của nó như một “thiên đường trú ẩn an toàn”, có nghĩa là khi xung đột và bất ổn càng kéo dài, nguy cơ suy thoái kinh tế càng trở nên rõ nét hơn, đồng Euro sẽ tiếp tục trượt giá.
Trong nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách Eurozone đã coi đồng tiền suy yếu như một phương tiện để kích thích tăng trưởng kinh tế, vì nó làm cho hàng xuất khẩu của EU trở nên cạnh tranh hơn.
Nhưng hiện tại, với mức lạm phát trong Eurozone đang ở mức cao kỷ lục, điểm yếu của đồng tiền yếu bắt đầu bộc lộ, bởi nó khiến hàng hóa nhập khẩu đắt hơn.
Vào tháng 6/2022, giá tiêu dùng tại Eurozone đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Một số nhà hoạch định chính sách đã nhấn mạnh rằng, đồng Euro thấp là một rủi ro đối với mục tiêu đưa lạm phát trở lại 2% trong trung hạn của ECB, mặc dù ngân hàng này không đặt ra mục tiêu nào đối với tỷ giá hối đoái.
Tuy nhiên, khi so sánh với các loại tiền tệ khác ngoài USD, đồng Euro có vẻ vẫn linh hoạt hơn.