Cờ Hy Lạp và EU treo tại khu vực trước đền Panthenon ở thủ đô Athens. (Nguồn: AFP) |
Theo một thỏa thuận ký kết với các chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hy Lạp có thể nhận được cứu trợ tài chính trị giá lên tới 86 tỷ Euro vào năm 2018, tuy nhiên đổi lại, nước này phải thực hiện các cải cách kinh tế như đã nhất trí.
Eurogroup đã phê duyệt một đợt cứu trợ 10,3 tỷ Euro dành cho Hy Lạp hồi tháng 5 vừa qua từ gói cứu trợ tổng thể. Khoản cứu trợ ban đầu 7,5 tỷ Euro trong gói cứu trợ kể trên đã được chuyển giao cho Hy Lạp.
Quốc gia đang ngập trong nợ nần này dự định sẽ thực hiện 15 cuộc cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế, trong đó có kế hoạch tư nhân hóa, cải cách trong lĩnh vực năng lượng trong tháng 9 để nhận được 2,8 tỷ Euro trong đợt cứu trợ này.
Phát biểu tại cuộc họp ở Bratislava (Slovakia) ngày 9/9, Chủ tịch Eurogroup, ông Jeroen Dijselbloem cho rằng các bên đã tốn quá nhiều thời gian để thảo luận những nội dung cải cách mà Hy Lạp phải tiến hành trong thời gian tới. Vì vậy, Athens nhanh chóng thực hiện 15 nội dung cải cách đã được nhất trí.
Trong khi đó, Cao ủy phụ trách Kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Pierre Moscovici cho rằng, châu Âu “nên nghiêm khắc với Hy Lạp, nhưng không nên làm phức tạp thêm tình hình”. Ông Moscovici cho biết, mặc dù đến nay Hy Lạp mới chỉ hoàn thành được 2 trong số 15 cải cách, song ông vẫn tin tưởng Athens sẽ nhanh chóng thực hiện 13 cải cách còn lại.