Tại sao vậy? IMF từ lâu đã khẳng định Hy Lạp cần được giảm nợ nhiều hơn nữa để tài chính công vững mạnh hơn. Trong báo cáo thường niên về nền kinh tế này mới đây, IMF đánh giá Hy Lạp vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề nợ nần. Bởi vậy, họ cần các đối tác châu Âu hỗ trợ đáng kể để đối phó bền vững với khối nợ khổng lồ.
IMF hiện đang coi việc các Chính phủ Eurozone giảm nợ cho Hy Lạp như một điều kiện để thể chế tài chính này giải ngân khoản cứu trợ mới trong gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ Euro đã được nhất trí từ năm 2015 cho Athens. IMF thậm chí còn kèm thêm cảnh báo về khối nợ này, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ "bùng nổ", tăng lên nhanh chóng theo thời gian.
Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức trên 300 tỷ Euro, tương đương 160% GDP. (Nguồn: Telegraph) |
Trong khi đó, Eurozone lại tỏ ra khá lưỡng lự trong việc mạnh tay thêm nữa, bởi họ vốn đã “mở hầu bao” giảm cho Hy Lạp một khoản nợ đáng kể dưới dạng hạ lãi suất hoặc kéo dài thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, IMF cho rằng Hy Lạp cần nhiều hơn nữa và không nhất thiết phải là giảm tiền gốc.
Theo kế hoạch, trong tháng 7, Hy Lạp sẽ phải thanh toán gần 7 tỷ Euro tiền nợ cho các chủ nợ cả tư nhân và tổ chức, nhưng chắc chắn, nước này sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ nếu không được "bơm" thêm khoản tiền tiếp theo trong gói cứu trợ thứ 3. Tuy nhiên, họ sẽ không có được nó cho đến khi đợt đánh giá của bộ ba chủ nợ - IMF, Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được hoàn tất.
Thời hạn hoàn trả nhiều khoản vay lớn đã cận kề, giới quan sát đang nghi ngờ việc IMF và Eurozone có thể đi đến được một thỏa thuận, trước khi tình hình tài chính của nước này vượt qua tầm kiểm soát.
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jerome Dijsselbloem hiện cho rằng, quan điểm của IMF là bi quan không cần thiết và Hy Lạp đã làm tốt hơn những gì IMF nhận xét trong báo cáo. Trong khi đó, một số quốc gia trong khối đã tỏ ra không chấp nhận được việc phải giải cứu một nước khác khỏi những vấn đề do chính sự thiếu trách nhiệm của nước đó gây ra. Một số thì lo ngại việc này sẽ khiến Hy Lạp không cảm thấy áp lực phải cải tổ nữa.
Nợ của Hy Lạp vẫn đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong Eurozone. (Nguồn: Telegraph) |
Bác bỏ yêu cầu của IMF, ngày 9/2, phát biểu trên kênh truyền hình ARD, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble tuyên bố theo điều lệ trong Hiệp ước Lisbon, Đức không thể chấp thuận giảm nợ cho Hy Lạp. Ông cảnh báo Athens đang đứng trước nguy cơ phải rời khỏi Eurozone. Động thái này của Đức một lần nữa làm dấy lên quan ngại khó có thể đạt được một thỏa thuận giữa các chủ nợ của Hy Lạp trong cuộc họp vào tuần tới, vốn được kỳ vọng có thể giúp Athens trả nợ đúng kỳ hạn và thoát khỏi nguy cơ buộc phải rời khỏi Eurozone do vỡ nợ.
Giới phân tích nhận định tình hình sẽ càng trở nên phức tạp khi sắp tới, hàng loạt quốc gia Eurozone sẽ tổ chức bầu cử, trong đó có Đức. Bên cạnh đó, một số đảng tại Pháp và Hà Lan có thái độ chỉ trích gói cứu trợ dành cho Hy Lạp.
Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức trên 300 tỷ Euro, tương đương 160% GDP, và đây vẫn là tỷ lệ cao nhất trong Eurozone.