Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hiện đại hóa khung pháp lý trước khi EVFTA có hiệu lực. |
Trong khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới phải vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19 thì Việt Nam đang sở hữu thời cơ vàng để tận dụng Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA), thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các doanh nghiệp châu Âu.
Tồn tại nhiều lỗ hổng
Tuy nhiên, tại Hội nghị đối thoại giữa Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) với chủ đề “Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA” mới đây, Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh nhận thấy, phía châu Âu hiện đang gặp khó về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và còn nhiều lỗ hổng trong quá trình thực thi chính sách.
“Những vướng mắc này đôi khi không phải là vấn đề lớn nhưng lại tác động trực tiếp tới quá trình hoạt động của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Doanh nghiệp châu Âu bị ảnh hưởng bởi mỗi địa phương tại Việt Nam lại có chủ trương, cách thức khác nhau, không nhất quán”, ông Hải nhận định.
Chẳng hạn, ở ngành thực phẩm, đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của EuroCham Nguyễn Hồng Uy cho biết, kể từ năm 2018, Nghị định 15 do Chính phủ ban hành đã giải quyết những vấn đề cơ bản của ngành thực phẩm, trong đó bãi bỏ đến 90% các điều kiện kinh doanh.
Song đến nay, ở cấp bộ, dù Nghị định đã triển khai việc đăng ký tất cả các sản phẩm dựa trên dịch vụ công trực tuyến rất tiện lợi, thì đối với các địa phương, mới chỉ có Hà Nội và Đồng Nai áp dụng được quy trình nộp trực tuyến.
“Vẫn còn vướng mắc trong vấn đề ghi nhãn thực phẩm”, ông Nguyễn Hồng Uy cho hay, theo thông tư 05/2019 của Bộ Khoa học & Công nghệ, nếu nhãn sản phẩm thực phẩm có công bố là không chứa hoặc bổ sung chất gì đó thì chất đó phải không tồn tại trong sản phẩm. Không tồn tại có nghĩa là hàm lượng bằng 0, nhưng trong tự nhiên sẽ không có một chất nào có hàm lượng bằng 0.
Đơn cử như trong hoa quả tự nhiên, nhất là các loại hoa quả mọng nước như cam, chanh, quất, cà chua, dù trồng ở nông trại hữu cơ, không dùng chất bảo quản nhưng bản thân các loại hoa quả đó đã chứa chất bảo quản tự nhiên là Axi benzoric do cây tự sinh ra để chống lại vi khuẩn, sâu bệnh.
“Với quy định của Thông tư 05, sẽ không có sản phẩm nào trong các loại hoa quả Việt Nam được dán nhãn là không chứa chất bảo quản. Điều bất hợp lý này sẽ là rào cản cho các sản phẩm của Việt Nam ra quốc tế, cũng như các sản phẩm chất lượng của quốc tế xuất khẩu vào Việt Nam”, ông Nguyễn Hồng Uy đánh giá.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Uy, doanh nghiệp châu Âu mong muốn một chính sách ổn định khi kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó, Nghị định 43 quy định về quản lý an toàn thực phẩm mới có hiệu lực chính thức vào đầu năm 2019, nhưng đến tháng 11/2019 đã ban hành Thông tư 05 để sửa đổi.
Chỉ trong một thời gian ngắn, chính sách thay đổi quá nhiều sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp, từ đó, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại. “Thời gian tới, EuroCham nói chung và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu mong muốn Chính phủ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định và phù hợp với các tập quán, quy định quốc tế”, ông Nguyễn Hồng Uy bày tỏ mong muốn.
Để không bỏ lỡ “thời cơ vàng”
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, với định hướng lấy người dân để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
“Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhận được nhiều phản hồi tích cực. Thời gian tới, để không bỏ lỡ ‘thời cơ vàng’ thu hút FDI, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện cam kết mạnh mẽ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư tại Việt Nam”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Về phía EU, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier nhận thấy, dù gặp phải những lỗ hổng trên, nhưng phía EuroCham ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong việc giảm bớt gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Những chuyển biến tích cực này đã giúp Việt Nam trở thành thị trường cởi mở, cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hiện đại hóa khung pháp lý trước khi EVFTA có hiệu lực. Việc phê chuẩn Công ước ILO 98 về thương lượng tập thể vào năm 2019 là một cột mốc quan trọng trong việc đảm bảo phê chuẩn EVFTA tại Nghị viện châu Âu (EP).
Ngoài ra, Việt Nam cũng chú trọng các thủ tục khác để thực thi suôn sẻ và hiệu quả Hiệp định EVFTA. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, luật pháp trong nước của Việt Nam rất phù hợp với các cam kết của EVFTA.
“Phía EU đã thấy rõ cách Việt Nam bảo đảm hàng loạt cải cách quan trọng để hài hòa khung pháp lý của mình với các chuẩn mực quốc tế trong quá trình phê chuẩn EVFTA. Do đó, nếu quá khứ là sự chỉ dẫn tin cậy, thì tôi tin tưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì một hồ sơ tích cực về cải cách hành chính trong tương lai”, Chủ tịch Eurocham nhấn mạnh.