📞

“EVFTA hứa hẹn bùng nổ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu”

19:51 | 10/09/2018
Sau nhiều vòng đàm phán, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) dự kiến sẽ được phê chuẩn cuối năm 2018.​ Trước sự kiện kinh tế quan trọng này, Báo Thế Giới & Việt Nam đã có trao đổi với một số Đại sứ Việt Nam tại các nước châu Âu nhân dịp các Nhà ngoại giao này về dự Hội nghị Ngoại giao 30 và Hội nghị Ngoại vụ 19 vừa qua.
Đại sứ Việt Nam tại Áo Lê Dũng

Đại sứ Việt Nam tại Áo Lê Dũng: Vượt mốc 4 tỷ USD năm 2018

Việt Nam và Áo đều là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Hiệp định hợp tác và Hiệp định thương mại đa phương giữa Việt Nam và EU gồm có Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU dự kiến sẽ được phê chuẩn vào cuối năm nay.

Bên cạnh nền tảng truyền thống tốt đẹp 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Áo, thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam ở Áo được sự hỗ trợ của các nước, cũng như phối hợp cùng các bộ ngành trong nước, đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Về kinh tế, dù Áo là một nước nhỏ, chỉ khoảng 8,9 triệu dân nhưng quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển rất tốt. Năm 2017, thương mại song phương giữa hai bên đạt 4 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã đạt 2,3 tỷ USD. Khả năng năm nay sẽ vượt mốc 4 tỷ USD. Đặc biệt là trong hơn 4 tỷ USD đó, Việt Nam xuất siêu đến 80%. Như vậy, dù là một thị trường nhỏ bé nhưng chúng ta xuất nhiều hàng hóa vào Áo hơn. Đây là một tín hiệu tốt.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực hợp tác khác như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, trên các diễn đàn quốc tế cũng được chú trọng. Về khoa học công nghệ, nổi bật nhất có thể nhắc đến những hợp tác giữa tập đoàn Vingroup, MANA và AVL về thiết kế chế tạo máy động cơ cho thương hiệu ô tô Vinfast của tập đoàn Vingroup sẽ ra đời vào năm tới. Ngoài ra, Áo là thị trường rất mạnh về xử lý rác thải môi trường, một lĩnh vực mà hiện nay chúng ta đang rất cần. Hiện Đại sứ quán cũng đang kết nối để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu công nghệ xử lý rác thải…

Một số ví dụ trên cho thấy, triển vọng hợp tác của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Áo trong tương lai là còn rất lớn.

Đặc biệt, “Đại sứ quán đang chuẩn bị chuyến thăm chính thức Áo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào đầu tháng 10 tới, đây sẽ là một chuyến thăm quan trọng để tiếp tục xây dựng và thúc đẩy quan hệ ngoại giao trên các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Áo. Đặc biệt, chuyến thăm sẽ tạo diễn đàn để kết nối tốt hơn nưa giữa doanh nghiệp hai bên với nhau. Kết hợp với việc EVFTA sẽ được thông qua vào cuối năm nay, sẽ tạo ra sự bùng nổ trong quan hệ thương mại giữa hai nước.”

     
Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha Ngô Tiến Dũng

Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha Ngô Tiến Dũng: Phấn đấu cho mốc 5 tỷ USD vào năm 2020

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Tây Ban Nha đang rất trông chờ vào ký kết EVFTA. Đây sẽ là khung pháp lý rất quan trọng để thúc đẩy thương mại, nhất là phía châu Âu. Hiện Việt Nam xuất siêu vào thị trường châu Âu. Phía châu Âu rất hy vọng sẽ mở rộng thị trường hàng hóa của châu Âu  vào Việt Nam, đặc biệt là Tây Ban Nha. Họ đang có thế mạnh về nông nghiệp phát triển. Tất nhiên, Tây Ban Nha cũng có sự cạnh tranh từ các nước châu Âu trong một số sản phẩm như: thịt lợn muối, dầu ô lưu, rượu vang và các sản phẩm đồ hộp có uy tín. Nhưng doanh nghiệp Tây Ban Nha tự tin vì sản phẩm của họ đạt chất lượng châu Âu, song giá cả lại cạnh tranh.

Các lãnh đạo hai bên đều mong muốn phát triển kinh tế thương mại hơn nữa và làm thế nào để giảm thâm hụt thương mại giữa Việt Nam - Tây Ban Nha. Hiện trao đổi thương mại giữa 2 nước là khoảng 3 tỷ, Việt Nam xuất siêu sang bạn khoảng 2 tỷ. Vì vậy, hai bên đang cố gắng thúc đẩy thương mại năm 2020 đạt 5 tỷ. Đây cũng là nhiệm vụ khá nặng nề, nhưng có thể thành hiện thực trong thời gian tới bởi triển vọng phát triển giữa hai nước còn nhiều tiềm năng.

Bên cạnh đó, về hợp tác phát triển, Tây Ban Nha ưu tiên dành cho Việt Nam hơn 300 triệu USD nguồn vốn ODA cho các dự án hợp tác song và đa phương hơn 10 năm qua. Hiện nay, bạn vẫn tiếp tục dành khoảng 350 triệu USD cho các dự án phát triển hạ tầng tại Việt nam, trong đó có dự án đường Metro số 5 tại TP.Hồ Chí Minh. Hy vọng đây sẽ là cú hích để các doanh nghiệp lớn của Tây Ban Nha đầu tư vào Việt Nam.

Đến nay, đầu tư FDI của Tây Ban Nha vào Việt Nam còn khiêm tốn, đứng thứ 14/19 nước EU và đứng thứ 57/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tuy lĩnh vực này hiện còn hạn chế về số lượng dự án nhưng có triển vọng lớn về tiềm năng vốn và chất lượng châu Âu, trong đó, phải kể đến đầu tư của REPSOL - một tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng. Việc mở nhà máy sản xuất linh kiện điện tử áp dụng công nghệ cao của tập đoàn PREMO tại Đà Nẵng, hay việc tư vấn xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai của GETINSA, là những minh chứng cho thấy hợp tác giữa các tập đoàn lớn của Tây Ban Nha vào Việt Nam là rất hiệu quả.

Hiện nay, sự thu hút của Tây Ban Nha với Việt Nam và ngược lại không còn bó hẹp trong chỉ lĩnh vực kinh tế. Lượng khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam tăng hàng năm cho thấy sự hấp dẫn từ Việt Nam của các yếu tố lịch sử, văn hóa, ẩm thực… đối với người dân Tây Ban Nha. Năm 2017, Việt Nam đã đón gần 70 nghìn lượt khách du lịch Tây Ban Nha và du khách Việt Nam cũng bắt đầu lựa chọn "xứ sở bò tót" là điểm đến yêu thích.

Đại sứ Việt Nam tại Rumania Trần Thành Công

Đại sứ Việt Nam tại Rumani Thành Công: Cần chủ động tiếp cận thị trường còn nhiều tiềm năng này

Với cơ sở mối quan hệ chính trị thuận lợi, có bề dầy lịch sử 68 năm quan hệ ngoại giao, hai nước đã và đang phát huy tối đa sức mạnh của sự hợp tác truyền thống, để tăng cường mở rộng hơn nữa các lĩnh vực hợp tác: kinh tế - thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, du lịch, nông nghiệp và lao động. Đây là những lĩnh vực trọng tâm, là cơ sở quan trọng để không ngừng tăng cường và củng cố sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nước.

Hai nước hiện đang có khung pháp lý thuận lợi đó là được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập-GSP và tới đây là Hiệp định EVFTA sắp được ký kết. Hai nước trên cơ sở thị trường không quá khắt khe về chất lượng sản phẩm, đều có nhu cầu tiêu dùng lớn về các sản phẩm bình dân sẽ giúp việc hợp tác đạt hiện quả.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp cận thị trường, thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp với các nhà phân phối địa phương, xây dựng lòng tin đối với đối tác, tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm, đồng thời nghiên cứu khả năng hợp tác liên doanh sản xuất hàng xuất khẩu với các đối tác Rumani. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam đạt được các mục tiêu trên, cơ quan xúc tiến thương mại hai nước cần tích cực phối hợp chặt chẽ trên nhiều hoạt động khác nhau như cung cấp thông tin thị trường, đối tác, giúp tổ chức hội nghị, hội thảo, khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm…

Bên cạnh đó, chính phủ hai nước cần dành các điều kiện ưu đãi tốt nhất cho doanh nghiệp tiên phong sang tìm hiểu thị trường, nắm bắt cơ hội đầu tư lẫn nhau. Hai bên, tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ EU dành cho lĩnh vực nông nghiệp, là thế mạnh của cả hai nước. Hai bên có thể nghiên cứu khả năng liên doanh thành lập công ty sản xuất và chế biến đặc biệt về nuôi trồng và chế biến thủy sản, sản xuất rượu vang, chế biến nông sản thực phẩm…để xuất khẩu sang nước thứ ba. Đồng thời, việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững cũng sẽ giúp nâng cao đời sống nhân dân của cả hai nước ở khu vực nông thôn.

Nhằm bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay tại thị trường Rumani, mà Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ và có kỹ năng, do đó tôi cho rằng đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy hợp tác về lao động giữa hai nước chúng ta.

Trên cơ sở các ưu tiên hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Rumani, hai nước sẽ có thêm những điều kiện thuận lợi, cơ hội và lực đẩy để cùng nhau đề ra những biện pháp mới, cách thức hợp tác mới, đưa quan hệ hai nước phát triển hiệu quả, bền vững hơn nữa.

 

Minh Hòa (lược ghi)

Ảnh:Trung Hiếu