Đại diện EuroCham khuyến nghị, để tăng tính cạnh tranh, Việt Nam cần tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. (Ảnh minh họa) |
Ông nhận định như thế nào về triển vọng môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam trong năm 2016?
Số lượng thành viên EuroCham hiện nay đã gia tăng đáng kể với khoảng hơn 800 thành viên. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam về việc thành lập một cộng đồng và tiếng nói chung hỗ trợ cho kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh việc công bố ấn phẩm Sách Trắng hàng năm, hàng quý, chúng tôi đều có Báo cáo về Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI), phản ánh các bước ngoặt trong hoạt động và kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên và sự thay đổi trong niềm tin kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Chỉ số BCI công bố trong năm 2015 đã có chuyển biến tích cực so với năm 2014. Nhiều doanh nghiệp thành viên cho rằng kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn và sẽ có bước tăng trưởng ổn định. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng kết quả chỉ số BCI công bố vào cuối tháng 2/2016 sẽ tiếp tục có những đánh giá tích cực về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là khi Hiệp định EVFTA chính thức đi vào triển khai.
Tham dự Lễ công bố “Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” ngày 23/2, tôi thực sự ấn tượng và đánh giá cao những cam kết và quyết tâm đổi mới cải cách của Chính phủ Việt Nam. Tôi tin rằng, triển vọng kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh năm 2016 sẽ rất sáng sủa và có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong bối cảnh EVFTA chuẩn bị được triển khai, những lĩnh vực nào sẽ thu hút quan tâm của các doanh nghiệp châu Âu? Ông dự báo như thế nào về dòng vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam trong thời gian tới?
EVFTA sẽ cho phép các nhà xuất khẩu EU và các nhà đầu tư tiếp cận thị trường Việt Nam. Các lĩnh vực như dịch vụ, hàng tiêu dùng nhanh, ô tô - xe máy… sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư châu Âu vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp châu Âu đều đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam như môi trường chính trị ổn định, dân số trẻ, nguồn nhân lực dồi dào, chịu học hỏi, khả năng tiếp thu nhanh những công nghệ kỹ thuật cao.
Theo tôi, EVFTA sẽ là tiền đề rất tốt để thu hút đầu tư từ châu Âu. Chúng tôi đã có những buổi tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp châu Âu. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn cho biết, họ sẽ nghiên cứu các nội dung của EVFTA và đang dự định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam trong thời gian tới nhằm tận dụng những cơ hội từ Hiệp định mang lại. Ngay cả những doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam, đơn cử như Tập đoàn công nghệ Bosch của chúng tôi cũng có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Trước một loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), EVFTA… nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ tăng tính cạnh tranh và xu thế chuyển dịch đầu tư từ các thị trường khác về Việt Nam là xu thế tất yếu.
Ông Võ Quang Huệ - Thành viên Ban Điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham). |
Theo khảo sát mới nhất, một trong những vướng mắc các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam đưa ra là tình trạng thiếu minh bạch trong hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Về phía các doanh nghiệp châu Âu thì sao, thưa ông?
Trong năm qua, Việt Nam có những thay đổi quan trọng, thông qua việc sửa đổi các bộ luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở... Các luật này đã có tác động tích cực trong việc cải thiện, tăng cường các cơ chế thị trường, tạo nền tảng cho một nền kinh tế thành công và bền vững.
Tuy nhiên, đúng như những lo ngại của các doanh nghiệp Nhật Bản, so với nhiều nước trong khu vực, thủ tục hành chính ở Việt Nam vẫn còn nhiều phiền hà, phức tạp. Để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính minh bạch, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, gỡ bỏ các biện pháp bảo hộ, cải thiện môi trường kinh doanh.
Ngoài ra, một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp thành viên EuroCham quan tâm và sẽ được đưa vào ấn phẩm Sách Trắng công bố ngày 2/3 tới đây là tính cạnh tranh của nguồn nhân lực. Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo nhưng năng suất lao động còn thấp so với khu vực. Vì vậy, tôi cho rằng, cần tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực, đào tạo nghề kết hợp kiến thức thực hành. Chúng tôi quan tâm đến nền giáo dục Việt Nam, đầu tư phát triển nghiên cứu. Nếu không có nghiên cứu chuyên sâu phục vụ phát triển, Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với các nước.
Trong năm 2016, EuroCham có những kế hoạch cụ thể gì nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam?
Trong tháng 2 và tháng 3/2016, chúng tôi sẽ chính thức công bố ấn phẩm Sách Trắng và Chỉ số BCI quý I/2016.
Ngoài việc công bố nội dung tổng quan của Sách Trắng, đại diện những tiểu ban ngành nghề của chúng tôi sẽ trực tiếp giải đáp những vấn đề xung quanh những đề xuất được đưa ra trong Sách Trắng.
EuroCham đã lựa chọn chủ đề EVFTA và đẩy mạnh hoạt động vận động chính sách làm định hướng hoạt động mình trong năm 2016.
Chúng tôi cũng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng chương trình hợp tác chung để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về nội dung của Hiệp định và hỗ trợ cho quá trình đầu tư giữa các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam, cũng như quá trình tìm hiểu thị trường của doanh nghiệp Việt Nam tại EU.