Trong nội dung biên bản cuộc họp ngày 2-3/5 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa được công bố tại Washington, các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn nước đôi rằng, nếu dữ liệu kinh tế đáp ứng kỳ vọng, thì thời điểm phù hợp để Ủy ban này quyết định tiến thêm một bước nữa trong việc dỡ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ đã đến rất gần.
Thông báo này cũng đã đưa ra tín hiệu chưa chắc chắn về một đợt nâng lãi suất vào giữa tháng 6. Các thành viên FOMC nhất trí không thắt chặt tín dụng, mà sẽ thận trọng chờ đợi bằng chứng cho thấy đà tăng trưởng kinh tế chậm lại của nền kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây chỉ là do giai đoạn chuyển tiếp.
Fed đưa ra tín hiệu chưa chắc chắn về một đợt nâng lãi suất vào giữa tháng 6. (Nguồn: THX) |
Trong một thông báo gửi tới các khách hàng của mình, Nhà kinh tế trưởng của UniCredit Bank AG (New York) Harm Bandholz đã viết rằng: "Fed vẫn luôn nói rằng quan điểm chính sách là tùy vào dữ liệu kinh tế thực tế, tuy nhiên, trong kỳ này chưa có gì khác biệt".
Tại kỳ họp tháng 5, các quan chức Fed đã nhất trí thông qua việc giữ nguyên lãi suất liên bang ở mức 0,75-1% như dự đoán của hầu hết các nhà phân tích, đồng thời xác định rằng tăng trưởng GDP trong quý I/2017 của Mỹ ở mức 0,7% - mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua - chỉ là yếu tố nhất thời trong giai đoạn kinh tế toàn cầu có những tín hiệu khả quan hơn.
Trong khi đó, hầu hết các nhà phân tích dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017, với lần tăng kế tiếp có thể diễn ra trong cuộc họp chính sách tới vào ngày 13-14/6 và một lần trong tháng 9. Giới đầu tư còn tin tưởng khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 là khá cao, với mức xác suất lên tới 80%.
Số liệu của Bộ Lao động Mỹ được công bố sau cuộc họp lần này cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 đã giảm xuống 4,4%, mức thấp nhất kể từ năm 2007 và cũng dưới mức ước tính của hầu hết các nhà kinh tế. Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát 2% mà Fed đặt ra có thể sẽ là một vấn đề nếu nó tiếp tục kéo dài. Thang đo lạm phát của Fed đã giảm xuống 1,8% trong tháng 3 từ 2,1% trong tháng 2, và chỉ số lạm phát cốt lõi (loại trừ năng lượng và lương thực) cũng đã giảm xuống 1,6%.
Trong dịp này, giới chức Fed cũng đã quyết định cắt giảm chương trình tái đầu tư trái phiếu. Gần như tất cả các quan chức Fed thể hiện thái độ ủng hộ về cách thu hẹp bảng cân đối, bao gồm việc thoái vốn từ các trái phiếu mà cơ quan này đã mua với tốc độ tăng dần sau mỗi ba tháng. Việc thoái vốn này sẽ bắt đầu ở mức thấp và cuối cùng đạt đến mức độ dự kiến cho từng giai đoạn, sau đó mức này sẽ được giữ nguyên cho đến khi quy mô của bảng cân đối kế toán trở lại bình thường.
Fed đã tích lũy được lượng tài sản khổng lồ sau cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế giai đoạn 2007-2009 thông qua trong ba gói nới lỏng định lượng nhằm kích thích đầu tư, việc làm và tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch của Fed là bắt đầu cho phép trái phiếu "biến mất" một cách tự nhiên chứ không nhất thiết phải bán chúng - một động thái tương tự như việc tăng lãi suất.
Fed đã quyết định tăng lãi suất 2 lần vào tháng 12/2016 và tháng 3/2017, trong bối cảnh có tín hiệu lạc quan về những ngày đầu nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, với cam kết cắt giảm thuế, bãi bỏ một số quy định, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng lớn.
Các quan chức Fed cho rằng kế hoạch chi tiêu của chính quyền Tổng thống Trump có thể thúc đẩy kinh tế hơn dự báo hiện nay, dù chi tiết và thời gian của kế hoạch vẫn chưa có gì đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn có quan ngại về kế hoạch nới lỏng các quy định về ngân hàng, theo đó có thể làm tăng các nguy cơ đối với ổn định tài chính.