Các bể chứa và thiết bị làm lạnh khí tại Freeport LNG, nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ hai của Mỹ ở Texas, tháng 2/2023. (Nguồn: Reuters) |
Báo trên viết: “Quyết định của chính quyền Tổng thống Biden đã khiến đảng Cộng hòa tức giận và khiến các đồng minh nước ngoài ngày càng phụ thuộc vào năng lượng của Mỹ lo sợ… Việc ngừng (xuất khẩu) đã gây ra sự kinh ngạc trên toàn thế giới”.
Foreign Policy lưu ý rằng, Tổng thống Biden đang làm suy yếu an ninh năng lượng toàn cầu và làm suy yếu các nỗ lực giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
Cuối tuần trước, Tổng thống Biden cho biết, Mỹ sẽ tạm ngừng phê duyệt các hợp đồng xuất khẩu LNG mới do biến đổi khí hậu.
Quyết định này đã gây ra sự chỉ trích gay gắt của đảng Cộng hòa.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson gọi điều này là thái quá, bởi theo ông, ông Biden đang “củng cố nước Nga” và đẩy châu Âu vào tình trạng phụ thuộc vào nước này.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, EU đã đặt mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt và khí thiên nhiên hóa lỏng của Nga. Tuy nhiên, năm 2023, xuất khẩu LNG của Nga sang khu vực này vẫn gia tăng. Một số nước châu Âu thậm chí còn cho phép các bến cảng của họ trung chuyển hoặc tái xuất LNG của Nga.
Xuất khẩu LNG của Nga sang EU đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1,75 triệu tấn trong tháng 11/2023. Trước đó, tháng xuất khẩu LNG Nga sang EU nhiều nhất là 12/2022, với sản lượng 1,737 triệu tấn. Thông tin được thống kê bởi hãng dữ liệu năng lượng và hàng hải Kpler.
Hai nước châu Âu mua nhiều khí hóa lỏng Nga nhất tháng trước là Pháp và Bỉ. Họ nhập nguồn LNG từ bán đảo Yamal và thị trấn Vysotsk, bởi nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai của Nga là Novatek.