📞

Foxconn sẽ xây nhà máy sản xuất màn hình cho iPhone tại Mỹ

09:35 | 25/01/2017
Kế hoạch này nhằm đề phòng trường hợp Apple bị buộc phải sản xuất iPhone tại Mỹ.

Cụ thể, Foxconn, hãng lắp ráp thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, đang xem xét kế hoạch đầu tư 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất màn hình tại Mỹ.

Kế hoạch này được Foxconn đưa ra sau khi tân Tổng thống Donald Trump tuyên bố “Ưu tiên nước Mỹ” trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/1 vừa qua, trong đó nhiều khả năng sẽ buộc các công ty của Mỹ quay trở lại sản xuất sản phẩm ở trong nước thay vì sản xuất tại các nhà máy đặt ở nước ngoài như hiện nay.

Foxconn đã phải tính đến phương án sản xuất tại Mỹ sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 45. (Nguồn: PA)

Dự án xây dựng nhà máy màn hình trị giá 7 tỷ USD được Foxconn lên kế hoạch với Sharp sau khi Foxconn mua lại hãng công nghệ Nhật Bản vào tháng 2 vừa qua với giá 3,8 tỷ USD. Hiện Sharp đang nắm giữ nhiều công nghệ màn hình cao cấp như công nghệ màn hình độ phân giải cao IGZO cũng như dây chuyền sản xuất màn hình OLED.

Nhà máy sản xuất màn hình tại Mỹ không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu màn hình iPhone của Apple, trong trường hợp Apple bị buộc phải sản xuất sản phẩm tại Mỹ, mà còn giúp Foxconn có thêm điều kiện tấn công vào thị trường Mỹ. Chủ tịch Foxconn Terry Gou cho biết, hiện tại ở Mỹ chưa có ngành công nghiệp sản xuất màn hình, tuy nhiên Mỹ lại là thị trường TV lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc), do vậy chắc chắn Foxconn sẽ không muốn bỏ qua cơ hội "tấn công" vào thị trường rất quan trọng này.

Nhà máy sản xuất màn hình này ước tính sẽ có chi phí đầu tư lên đến 7 tỷ USD và tạo ra khoảng 30.000 đến 50.000 việc làm tại Mỹ. Tuy nhiên, để xây dựng nhà máy này cũng đòi hỏi nhiều điều kiện được đáp ứng, bao gồm sự cấp phép của Chính phủ Mỹ từ cấp tiểu bang lên đến cấp liên bang. Trước đó, Foxconn đã từng có hợp tác hoạt động tại bang Pennsylvania, do vậy nhiều khả năng hãng sẽ được ưu tiên trong việc đầu tư để xây dựng nhà máy và các cơ sở hạ tầng khác tại bang này.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, việc chuyển nhà máy sản xuất sang Mỹ của Foxconn, bên cạnh việc giá nhân công đắt đỏ hơn mà các điều kiện làm việc cũng phải được đảm bảo với tiêu chuẩn cao hơn so với tại Trung Quốc sẽ khiến giá thành sản xuất và lắp ráp các sản phẩm của Foxconn bị đẩy lên cao hơn so với hiện nay.

(theo Dân Trí/PA)