Ngày 5/10, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu bao gồm: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan (FTA Việt Nam - EAEU) đã chính thức có hiệu lực, mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam với các nước thành viên trong Liên minh. Với nhiều ưu đãi về thuế quan, hai bên đặt mục tiêu đẩy mạnh kim ngạch thương mại song phương gấp 4 lần hiện nay, đạt 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020.
Ô tô Nga khó ngập thị trường Việt
Đặc biệt, hai Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam được ký giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nga và Belarus dự kiến cũng có hiệu lực cùng FTA này. Theo đó, từ ngày 5/10/2016, liên doanh tại Việt Nam giữa doanh nghiệp Nga (Nhà máy sản xuất ô tô GAZ, Công ty Thương mại quốc tế Kamaz và Công ty cổ phần đại chúng Ulyanovsky Avtomobilny Zavod - UAZ) với doanh nghiệp Việt Nam sẽ được quyền nhập khẩu thuế 0% trong hạn ngạch một số loại xe.
Hãng xe Lada của Nga |
Ngoài ra, liên doanh cũng được hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô trong vòng 5 năm - là khoảng thời gian trước khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô theo FTA Việt Nam - EAEU được cắt giảm dần về 0%
Trên thực tế, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, lượng ô tô nhập khẩu từ Nga trong 8 tháng đầu năm 2016 đã tăng đột biến so với cùng kỳ các năm gần đây, với 1.180 chiếc, trị giá 66,9 triệu USD. Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu từ thị trường này cả năm 2015 chỉ ở mức 300 chiếc và năm 2014 còn ít hơn với 68 chiếc. Dự báo lượng ô tô nhập khẩu từ Nga còn tăng mạnh hơn từ cuối năm nay.
Ngay tại Triển lãm ô tô quốc tế 2016 (Vietnam International Motorshow 2016) hãng xe Nga UAZ (thường được gọi là U - oát), thương hiệu xe hơi Nga lâu nay nổi tiếng với những chiếc xe quân dụng đã chính thức quay trở lại thị trường Việt Nam. Theo thông tin trên thị trường xe hơi, Công ty cổ phần Auto K đã được UAZ chỉ định trở thành nhà phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam với thời hạn lên tới 30 năm. Theo lộ trình đã cam kết, Auto K sẽ bán ra thị trường Việt Nam đầy đủ các dòng sản phẩm của hãng UAZ như địa hình SUV, bán tải, vận tải cỡ lớn và xe thương mại.
Các câu hỏi xoay quanh vấn đề ô tô Nga thực sự đã chiếm thời lượng lớn trong phần hỏi - đáp của buổi Họp báo công bố FTA Việt Nam - EAEU chính thức có hiệu lực được Đại sứ quán Nga và các nước EAEU tổ chức.
Đại sứ Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov cho biết, phía Nga hiện mới đang đàm phán với các doanh nghiệp Việt Nam về việc thành lập liên doanh, hiện nhiều đối tác Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm tới cơ hội hợp tác này. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là sẽ còn cả “một chặng đường” để những chiếc xe Nga nhập khẩu đầu tiên theo diện ưu tiên của Nghị định thư mới có thể vào thị trường Việt Nam. Không trả lời thẳng vào câu hỏi giá ô tô Nga tại thị trường Việt Nam có thể chỉ 200 - 300 triệu VNĐ hay không, phía Nga chỉ cho biết giá ô tô Nga sẽ rất cạnh tranh, sau khi trừ đi các khoản chi phí có liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, tháng 5/2015. |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, là một sản phẩm mới trong một thị trường lâu nay vốn đã quá quen với các dòng xe Nhật, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, xe Nga có thể sẽ gặp nhiều khó khăn dù giá bán có thể thấp. Với sản phẩm đắt tiền như ô tô, giá cả có thể chưa đủ để thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm. Ngoài ra, mặt hàng ô tô còn đòi hỏi về chất lượng, kiểu dáng và thương hiệu toàn cầu, trong khi xe Nga thì chưa thực sự phổ biến. Trên thực tế, các hãng xe du lịch Trung Quốc có giá cả rất cạnh tranh vẫn ế ẩm trước các tên tuổi lâu năm trên thị trường Việt Nam.
Cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam với các nước EAEU Theo hiệp định, khoảng 53% tổng số dòng thuế sẽ về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực vào ngày 5/10. Năm 2018: Thêm 1,5% dòng thuế được xoá bỏ. Trong đó chủ yếu là các chế phẩm từ thịt, cá, và rau củ quả, phụ tùng máy nông nghiệp, máy chế biến, ngọc trai, đá quý. Năm 2020: Thêm 22,1% dòng thuế được xoá bỏ gồm các sản phẩm từ giấy, thuỷ sản, đồ nội thất, máy móc thiết bị, rau quả, sản phẩm từ thép. Năm 2022: Thêm 1% dòng thuế được xoá bỏ chủ yếu là thuế của các phụ tùng ô tô, loại động cơ ô tô, xe máy, sắt thép. Năm 2026: Thêm 10% dòng thuế được xoá bỏ chủ yếu là các rượu bia, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, ô tô nguyên chiếc (xe tải, xe buýt, ô tô con, ô tô trên 10 chỗ). |
Mặt khác, trong khi thuế suất xe ô tô của Nga sẽ được áp dụng 0% theo hạn ngạch từng năm không đến 1.000 xe, chỉ là "muối bỏ bể" so với một thị trường tiêu thụ trên dưới 250.000 xe/năm của Việt Nam. Thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN cũng sắp giảm về 0% vào 2018, khi đó, những thương hiệu quen thuộc với người Việt như Toyota, Ford, Honda có xuất xứ Đông Nam Á cũng sẽ có những lợi thế không kém.
“Xây cầu nối Á - Âu”
Tất nhiên, chuyện FTA Việt Nam - EAEU không chỉ có ô tô, thương mại song phương chắc chắn sẽ gia tăng, và hàng loạt các mục tiêu đôi bên cùng có lợi khác về giao thông vận tải, đầu tư, công nghệ, nhân lực… cũng đã được nhắm đến.
Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev từng ví Liên minh EAEU như “một cầu nối” giữa phương Đông và phương Tây. Còn giới chuyên gia đánh giá cao vị trí chiến lược của các nước thuộc EAEU. Với vị trí quan trọng đó, Nga, Belarus hay Kazakhstan đều có thể thành lập những tuyến đường vận chuyển hậu cần thuận lợi, không chỉ mang ý nghĩa khu vực mà cả trên toàn cầu, kết nối về mình những dòng chảy thương mại lớn của châu Âu và châu Á.
Với nhiều ưu đãi về thuế quan, FTA Việt Nam - EAEU đặt mục tiêu đẩy mạnh kim ngạch thương mại song phương gấp 4 lần hiện nay. |
Trong những dòng chảy đó, mới đây, phía Kazakhstan đã đề xuất Việt Nam xem xét khả năng tổ chức vận chuyển liên vận hàng hóa từ Việt Nam sang các nước EAEU và ngược lại bằng đường sắt thông qua các ga giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc như Lào Cai, Đồng Đăng, quá cảnh địa phận Trung Quốc. Và cách thứ hai là vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển Việt Nam tới bến cảng Kazakhstan thuộc cảng biển Liên Vân Cảng (Trung Quốc) - nơi 49% cổ phần cảng biển thuộc về công ty đường sắt Kazakhstan, trung chuyển sang container và vận chuyển qua Trung Quốc tới các nước EU.
Nếu sáng kiến trên được thực hiện, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Beketzhan Zhumakhanov khẳng định, ngoài cước phí vận chuyển khá cạnh tranh, các con đường mới có ưu thế hơn hẳn về thời gian. Theo đó, hàng hóa từ Việt Nam sang EU sẽ chỉ còn khoảng 16 ngày thay cho 45 ngày như hiện nay. Đây sẽ là con đường quan trọng để Việt Nam vận chuyển hàng hóa tới các nước EU, khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực. Phía Kazakhstan cũng tin tưởng, nếu tuyến đường này được khai thông, hàng hóa của các nước ASEAN vào EAEU đều sẽ qua Việt Nam và ngược lại. Việt Nam sẽ là nơi trung chuyển hàng hóa giữa EAEU, EU với các nước khác trong ASEAN.