Ảnh minh họa |
Tại Hội thảo “Thách thức trong năm 2013: Hướng tới Hiệp định thương mại tự do (FTA) VN-EU” do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu (EuroCham) vừa tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng bối cảnh kinh tế khó khăn mới chính là cơ hội để cả hai tiến tới ký kết FTA.
Sự phát triển của kinh tế có những chu kỳ biến động lên - xuống, khó khăn rồi cũng qua đi, còn việc đàm phán FTA giữa EU và VN được coi là cơ hội phát triển dài hạn của kinh tế hai bên. Chúng ta luôn tin tưởng suy thoái kinh tế sẽ sớm chấm dứt trong vài năm tới và FTA cũng cần chừng đó thời gian để có thể đạt được những đồng thuận cao nhất. Khi đó, kinh tế phục hồi trở lại, VN và EU đã có FTA là tiền đề để phát triển thương mại song phương và VN sẽ có được môi trường kinh doanh ổn định và lâu dài, đó chính là thị trường EU.
Chủ tịch Eurocham Preben Hjortlund cho biết: “VN và EU đã đạt được đồng thuận và thống nhất lộ trình cho phiên đàm phán tiếp theo vào tháng 4/2013. Chúng ta đang đi đúng hướng và có những thuận lợi nhất định trong các đàm phán FTA. Tuy nhiên, để hoàn tất đàm phán FTA trong 2 năm như mong muốn của các nhà lãnh đạo hàng đầu 2 bên thì VN và EU cần nỗ lực hơn nữa với các cam kết chính trị mạnh mẽ, các doanh nghiệp (DN) cần chuẩn bị sẵn sàng để tiếp cận tốt nhất tới thị trường 2 bên”.
Đẩy nhanh tốc độ đàm phán
Để FTA có thể nhanh chóng được hiện thực hóa, Trưởng đại diện IMF tại VN Sanjay Kalra cho rằng, trước tiên Việt Nam phải ổn định được kinh tế vĩ mô cũng như cải thiện môi trường kinh doanh. Vẫn còn đó các vấn đề của nền kinh tế trong năm 2011-2012 mà VN vẫn chưa thể giải quyết như: lạm phát tiềm ẩn vẫn chưa mất, lạm phát kỳ vọng cần giảm hơn nữa; ngành ngân hàng đáng lo ngại nhất vẫn là nợ xấu; dư cung bất động sản… “là những thách thức lớn của VN nếu không đẩy mạnh cải cách hơn nữa”.
Dưới góc độ của thành viên nhóm tư vấn chính sách, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thấy rằng bất lợi của VN khi tham gia cuộc chơi FTA chính là VN luôn ở tư thế của một nước có trình độ thấp kể cả về kinh tế, xã hội. Cho dù có những thuận lợi trong đàm phán đi chăng nữa, nhưng không dễ gì VN có thể dễ dàng vượt qua. “Dù gì hiện VN vẫn là cơ chế phi thị trường, theo cam kết WTO đến năm 2018 mới có thể xóa được cơ chế này. Điều đó để thấy quá trình của VN còn gian nan lắm”, chuyên gia cho hay.
Do đó, đòi hỏi cả VN lẫn EU cần có những cải cách vượt bậc để nhanh chóng ký kết FTA chính thức vào 2014. Riêng với VN, những giải pháp tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đều đã được đưa ra, nhưng khởi động đang còn chậm chạp. Tuy nhiên, hy vọng, việc đàm phán này sẽ giúp VN mạnh dạn hơn, thấy rõ nhu cầu bức bách tiến tới cải cách để hội nhập và đưa nền kinh tế vượt qua tình trạng trì trệ hiện nay.
“Nếu có thể, việc ký kết nên tiến hành tốt nhất vào năm 2014, vì từ 2015 thị trường khu vực ASEAN sẽ mở rộng cửa cho hàng hóa Trung Quốc xâm nhập sâu, nếu FTA giữa VN không được hiện thực hóa trước đó, thì xem như VN đã chậm chân hơn”, bà Lan nói.
Thách thức năm 2013
Trong phần thảo luận về cơ hội và triển vọng kinh tế VN trong năm 2013, chuyên gia nghiên cứu kinh tế châu Á, thị trường và ngân hàng toàn cầu đến từ HSBC Hong Kong, bà Trinh Nguyễn cho rằng, tốc độ tăng trưởng của VN đang chậm lại là có nguyên nhân từ việc một số đầu tư trọng điểm đã không đúng chỗ trong vài năm qua. Hậu quả của việc này đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo ông Sanjay Kalra, kết thúc của VN năm 2012 đã khá tốt, nhưng chưa ổn định. Vấn đề về cách thức tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của VN đặt ra câu hỏi liệu việc sáp nhập hai ngân hàng yếu có trở thành một ngân hàng lớn yếu hơn? Đại diện IMF lo ngại, nếu hai ngân hàng này không có sự thay đổi về cơ cấu, quản trị cũng như nếu không được rót một khoản tiền hỗ trợ nhất định thì cuối cùng cũng sẽ vẫn là mối bòng bong của Ngân hàng Nhà nước.
Một mối bận tâm nữa của ông Kalra là khách hàng chủ yếu của hệ thống ngân hàng là các DNNN, mà hầu hết khối DN này lại đầu tư trái ngành nghề và không hiệu quả, do đó làm thất thoát nguồn vốn. Do vậy, nếu không gắn chặt sự tái cấu trúc của cả hai lĩnh vực này thì không thể đưa đến một kết quả toàn diện.
Thu Thủy