APEC luôn là cơ hội mở để giải quyết những mâu thuẫn và bất đồng. |
FTAAP do Trung Quốc khởi xướng đầu tiên vào năm 2005. Tiếp sau đó, tại Hội nghị APEC 2006 ở Hà Nội, các nước cũng đưa ra kiến nghị xây dựng FTAAP. Nhưng nhiều năm sau, tiến trình này bị chìm lắng, bởi đàm phán về thỏa thuận thương mại quy mô khác. Tại Diễn đàn Bác Ngao tháng 4/2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề nghị khởi động việc nghiên cứu biện pháp khả thi cho FTAAP. Phía Trung Quốc cho rằng, nếu các thành viên đều tích cực thì tới năm 2025 có thể thực hiện được FTAAP.
Tái khởi động FTAAP
Cách đây 13 năm đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 9 tại Thượng Hải với nghị trình "Chống khủng bố". Đến nay, cuộc chiến chống khủng bố tuy vẫn tiếp tục cam go, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nhưng vấn đề kinh tế lại nổi bật với nhiều rủi ro, phục hồi kinh tế sau khủng hoảng chậm hơn dự báo. Các nền kinh tế trong APEC có sự tăng trưởng năng động cao nhất và cũng là động lực chính thúc đẩy kinh tế thế giới, nhưng thời gian qua cũng bị suy giảm, nhất là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Bởi vậy, thúc đẩy đà tăng trưởng đang trì trệ trong khu vực trở thành vấn đề đáng quan tâm hơn cả tại APEC Bắc Kinh năm nay.
Nói về điểm nổi bật nhất của APEC 22, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, khởi động lại tiến trình xây dựng FTAAP là một trong ba trọng tâm của chương trình nghị sự. Theo ông, dư luận cho rằng hiện châu Á - Thái Bình Dương có nhiều hợp tác khu vực chồng chéo nhau, điển hình nhất là tiến trình xây dựng Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tiếp đó là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với công thức "ASEAN + 6" (Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc). Trong khi đó, Trung Quốc lại đưa ra chủ trương xây dựng "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI" trong khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương. Bởi vậy, để nâng cao hình tượng quốc tế của mình, nước chủ nhà chủ trương tập trung vào FTAAP từ nay tới năm 2025, gạt ra ngoài lề các chương trình khác.
Theo các nhà phân tích, FTAAP được cho là một "siêu hiệp định" có thể xem như đối trọng thực sự của TPP do Mỹ đứng đầu. Nếu được thành lập, FTAAP sẽ là một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với sự góp mặt của ba nền kinh tế dẫn đầu là Mỹ, Trung Quốc và Nhật cùng các nền kinh tế quan trọng khác như Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Canada và Nga. Tổng cộng khối này nắm giữ 57% GDP thế giới và 46% giá trị thương mại toàn cầu - lớn hơn so với TPP (40% GDP và 26% giá trị thương mại toàn cầu).
Xung đột FTAAP và TPP
Bởi vậy, nỗ lực khởi động lại FTAAP của Trung Quốc đang vấp phải đối trọng từ phía Mỹ. Nhà kinh tế học của Đại học Bắc Kinh - Lu Feng cho rằng, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang "vờn nhau" trong cuộc chiến giành lấy ảnh hưởng khu vực và lợi nhuận thương mại trị giá hàng tỷ USD.
Tất nhiên, FTAAP là thỏa thuận dựa trên chương trình nghị sự của APEC trong nhiều năm. Nhưng đối với Bắc Kinh, FTAAP còn được xem là phương thức an toàn nhằm đảm bảo nước này vẫn có thể tiếp cận các đối tác thương mại lớn nhất. Tuy nhiên, FTAAP không thể không bị chi phối bởi nhiều đàm phán quy mô khác, đặc biệt là TPP do Mỹ đứng đầu và đang tích cực thúc đẩy với 11 quốc gia vành đai Thái Bình Dương, trừ Trung Quốc.
Theo ước tính của Viện Kinh tế quốc tế Peterson tại Washington, thỏa thuận TPP trở thành hiện thực, có thể khiến Trung Quốc thất thoát 100 tỷ USD xuất khẩu mỗi năm. Vì lẽ đó, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC - Alan Bollard cho rằng, đây là lúc Bắc Kinh mong muốn mở rộng đàm phán FTAAP. Tuy nhiên, chuyên gia Fred Bergsten của Viện Peterson khẳng định, Mỹ sẽ không hồ hởi, bởi việc thiết lập một quá trình đàm phán song song giữa các cuộc đàm phán khác nhau sẽ ảnh hưởng tới thỏa thuận TPP mà Washington đang tích cực thúc đẩy.
Tuy Phát ngôn viên của Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ cho biết, Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về một "đề nghị xây dựng", trong đó APEC có thể tiếp tục hướng tới FTAAP với tầm nhìn dài hạn được xây dựng dựa trên giao dịch thương mại khác. Tuy nhiên, theo WSJ, hai bên vẫn âm thầm gây sức ép cho nhau. Ngoài ra, thách thức trong việc khởi động lại FTAAP đang tồn tại trong chính mỗi thành viên APEC, liệu họ sẽ giải quyết thế nào với những hiệp định song phương và đa phương chồng chéo.
Tuy nhiên, APEC luôn là cơ hội mở, là "sân chơi" đa phương để các nhà lãnh đạo giải quyết phần nào những mâu thuẫn và bất đồng.
Minh Anh