Sau 2 ngày đàm phán và thảo luận, các nước G7 đã nhất trí ủng hộ một thỏa thuận quốc tế mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó cam kết mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%.
G7 đạt được 'thoả thuận lịch sử' về thuế doanh nghiệp toàn cầu. (Nguồn: Getty) |
Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng tài chính G7 nêu rõ: "Chúng tôi cam kết đạt được một giải pháp công bằng về quyền áp thuế, theo đó các nước có quyền áp thuế đối với ít nhất 20% lợi nhuận vượt quá biên độ 10% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và sinh lời nhiều nhất".
Tuyên bố cũng khẳng định G7 sẽ tiến hành điều phối hợp lý giữa việc áp dụng các quy định thuế quốc tế mới với việc xóa bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự đối với tất cả các công ty.
Ngoài ra, các bộ trưởng tài chính G7 cũng nhất trí tiến tới buộc các công ty phải công bố về những tác động đối với môi trường theo cách tiêu chuẩn hơn để các nhà đầu tư có thể dễ dàng ra quyết định có đầu tư vào các công ty này hay không.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết thỏa thuận này sẽ tạo một "sân chơi bình đẳng" cho các công ty trên toàn cầu.
Ông Sunak nêu rõ: "Sau nhiều năm thảo luận, các bộ trưởng G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số". Ông nhấn mạnh rằng nhu cầu áp thuế dịch vụ kỹ thuật số ở cấp quốc gia sẽ không còn cần tới một khi giải pháp toàn cầu này có hiệu lực.
Thỏa thuận cải cách thuế doanh nghiệp có thể là cơ sở cho một thỏa thuận toàn cầu tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp diễn ra vào tháng 7 tới.
Thỏa thuận này được cho là chấm dứt một thập kỷ "chạy đua xuống đáy", trong đó các nước cạnh tranh để thu hút các tập đoàn bằng cách áp mức thuế rất thấp hoặc miễn thuế, khiến ngân khố thất thu hàng trăm tỉ USD. Việc bù đắp khoản thất thu này hiện nay rất cấp thiết để các nước trang trải những khoản chi lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Các bộ trưởng tài chính G7 cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo nhất và các quốc gia dễ bị tổn thương trong việc giải quyết các thách thức về y tế và kinh tế liên quan đến đại dịch Covid-19 khi tuyên bố ủng hộ và yêu cầu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sớm thực hiện việc phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 650 tỷ USD vào ngay cuối tháng 8 này.