📞

Gabon – ‘Người khổng lồ xanh’ của châu Phi

Hà Trang 08:00 | 21/01/2022
Dưới thời Tổng thống Ali Bongo, Gabon đang là một trong những lá cờ đầu về phát triển xanh và bền vững tại châu Phi. Đâu là yếu tố dẫn đến thành công này?

Đầu tháng 12/2021, viết trên Twitter, Bộ trưởng Nguồn nước, Rừng, Biển và Môi trường Gabon Lee White cho biết nước này đang nghiên cứu cấm sử dụng túi nylon dùng một lần, với giải pháp thay thế đang được cân nhắc là các túi tự hủy sinh học.

Nếu thành công, dự án này sẽ khẳng định vai trò tiên phong của Gabon trong bảo vệ môi trường, thích ứng với các tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu tại châu Phi.

Tỷ lệ phá rừng ở Gabon rất thấp, chỉ khoảng 0,1%/năm theo ảnh giám sát vệ tinh. (Nguồn: Alamy)

Chuyển đổi linh hoạt

Đất nước Trung Phi nằm bên bờ Đại Tây Dương với diện tích gần 270 km2 và dân số chỉ hơn 2 triệu người là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực với 7.000 USD/năm.

Thành quả ấn tượng này có sự đóng góp lớn của dầu mỏ. Theo Business Insider, Gabon đứng thứ 9 với trữ lượng 2 tỷ thùng (2016) và thứ 5 về sản lượng dầu trên toàn châu Phi.

Trong 5 năm qua, lĩnh vực này chiếm tới 80% giá trị mặt hàng xuất khẩu, mang lại 45% GDP và 60% nguồn thu thuế cho ngân sách của Chính phủ.

Tuy nhiên, trữ lượng dầu khí giảm dần và hiệu ứng cánh bướm của biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức lớn với chính phủ Gabon. Các khu rừng ít trái cây hơn khiến 60.000 cá thể voi rừng phải ra ngoài kiếm ăn, đe dọa an toàn của người dân ở khu vực lân cận. Lượng mưa giảm mạnh khiến canh tác nông nghiệp gặp khó khăn, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ trở nên phổ biến hơn.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Gabon đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, xây dựng và khẳng định vị thế hàng đầu về tăng trưởng xanh, bền vững tại châu Phi.

Gabon được thiên nhiên ưu đãi khi có tới 88% lãnh thổ bao phủ bởi rừng nhiệt đới (khoảng 23 triệu hecta), chiếm 20% diện tích rừng nhiệt đới ở lưu vực sông Congo, khu vực cùng với rừng Amazon được coi như hai “lá phổi xanh” của Trái đất.

Sớm ý thức rõ vai trò quan trọng của khu vực này, chính phủ Gabon đã triển khai nhiều chính sách bảo vệ môi trường thiết thực để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với diện tích gần 270 km2 và dân số hơn 2 triệu người, Gabon là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực với 7.000 USD/năm.

Năm 1960, Quỹ bảo vệ rừng Gabon đã ra đời. 12 năm sau đó, Gabon thành lập Bộ Bảo vệ môi trường, đồng thời tích cực xây dựng các quy định trong lĩnh vực này.

Cụ thể, Luật Lâm nghiệp năm 2001 yêu cầu các công ty khai thác gỗ phải lập kế hoạch quản lý rừng sản xuất và khuyến khích chỉ khai thác quay vòng từ 15-25 năm thay vì 10 năm.

Ngoài ra, Tổng thống Omar Bongo đã lần lượt thành lập 13 vườn quốc gia từ đầu những năm 2000, giúp Gabon bảo tồn thành công 3 triệu hecta rừng, tương đương 11% lãnh thổ. Sau hai thập kỷ, con số này giờ đã là 17%.

Năm 2010, Tổng thống Ali Bongo đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn chưa qua chế biến nhằm bảo tồn và tăng giá trị của sản phẩm xuất khẩu.

Năm 2014, Gabon ban hành ba bộ luật quan trọng: lập Quỹ phát triển bền vững tài trợ cho các dự án và chương trình phù hợp với mục tiêu này; Luật Bảo vệ môi trường và thành lập Tổng cục môi trường trong mỗi bộ và cơ quan ngang bộ trực thuộc chính phủ.

Cũng trong năm 2010 và chỉ ít lâu sau Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 15 (COP 15) tại Copenhagen (Đan Mạch), chính phủ Gabon đã ban hành Kế hoạch Quốc gia về khí hậu (PNC), coi đây là một phần không thể tách rời của Chiến lược biến Gabon thành nước mới nổi.

Chính thức có hiệu lực từ năm 2013, PNC bao gồm chiến lược phát triển ngắn và trung hạn các lĩnh vực tác động mạnh tới biến đổi khí hậu, chiến lược kiểm soát phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo lĩnh vực và chiến lược quản lý đất đai thích ứng với mực nước biển dâng.

Kế hoạch đột phá của Gabon đã nhận được trợ giúp tài chính từ Sáng kiến bảo tồn rừng ở khu vực Trung Phi (CAFI) của Na Uy và Quỹ Xanh (FV) của Liên hợp quốc.

Tháng 6/2021, Gabon trở thành nước châu Phi đầu tiên được trả tiền để bảo vệ rừng.

Chính quyền Libreville đã tiếp nhận khoản trợ cấp 17 triệu USD đầu tiên trên tổng mức hỗ trợ 150 triệu USD cam kết từ CAFI để bảo tồn diện tích 23 triệu hecta rừng và giảm 50% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính đến năm 2025.

Khỉ đột gorilla trong Vườn quốc gia Ivindo, Gabon. Có khoảng 30.000 cá thể khỉ đột hiện đang sinh sống tại Gabon. (Nguồn: Lee White/The Times)

Thành tựu hiếm có

Nhờ các chính sách quyết liệt của chính phủ và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Gabon trở thành một trong những nước hiếm hoi trên thế giới đạt mức phát thải âm, nghĩa là lượng CO2 được hấp thụ lớn hơn lượng CO2 giải phóng vào khí quyển.

Hằng năm, các khu rừng ở Gabon thải ra khoảng 20 triệu tấn carbon do quá trình phân hủy tự nhiên, hỏa hoạn và nạn phá rừng.

Hoạt động của con người như sản xuất công nghiệp, cung cấp điện, phương tiện giao thông phát thải thêm khoảng 15 triệu tấn.

Tuy nhiên, rừng nhiệt đới Gabon hấp thụ khoảng 140 triệu tấn carbon mỗi năm, giúp Gabon trở thành nước hấp thụ ròng hơn 100 triệu tấn carbon/năm.

Đặc biệt, các khu rừng ở Gabon được bảo tồn tốt hơn nhiều so với các nước láng giềng như Cameroon hay Cộng hòa Congo.

Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, áp lực dân số tăng nhanh và nạn khai thác bừa bãi đã khiến 500.000 hecta rừng bị phá hủy mỗi năm. Tỷ lệ phá rừng ở nước này hiện cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil.

Trong thập kỷ qua, rừng Amazon ở Brazil đã không còn khả năng hấp thụ carbon ròng vì nạn cháy rừng và khai thác gỗ thải ra khí quyển nhiều carbon hơn mức có thể hấp thụ.

Một số nước Tây Phi khác như Ghana, Bờ Biển Ngà và Sierra Leone cũng đang chật vật khôi phục diện tích rừng, vốn từng bị phá hủy để nhường chỗ cho những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn như ca cao, dầu cọ hay cao su.

Nhờ các chính sách quyết liệt của chính phủ và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Gabon trở thành một trong những nước hiếm hoi trên thế giới đạt mức phát thải âm, nghĩa là lượng CO2 được hấp thụ lớn hơn lượng CO2 giải phóng vào khí quyển.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Tuy nhiên, để có được “quả ngọt” này, Gabon đã và đang tiếp tục cuộc chiến không khoan nhượng để bảo vệ rừng, bởi lợi ích kinh tế từ các khu rừng là quá lớn.

Năm 2019, Phó Tổng thống Pierre Moussavou và Bộ trưởng Môi trường Gabon Guy Bertrand Mapangou đã bị cách chức sau chiến dịch trấn áp buôn lậu gỗ khi 300 container gỗ kevazingo, loại gỗ quý thuộc danh mục cấm xuất khẩu bị bắt giữ ở khu cảng thuộc thủ đô Libreville.

Chuyên gia sinh thái học và động vật học gốc Anh Lee White, người có nhiều năm công tác tại các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường tại châu Phi được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Môi trường.

Chiếc ghế nóng này là nhiệm vụ không hề dễ dàng cho ông Lee White, khi Gabon đã có tới 10 Bộ trưởng Môi trường trong một thập kỷ qua.

Hy vọng rằng sự gắn bó với thiên nhiên châu Phi của Bộ trưởng Môi trường Lee White, cùng với những quyết sách đúng đắn của Tổng thống Ali Bongo sẽ giúp Gabon tiếp tục khẳng định vị thế lá cờ đầu về phát triển bền vững tại châu Phi.