📞

Gần 200.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp?

16:56 | 17/08/2016
Trong quý II, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Trong đó, nhiều nhất là nhóm cử nhân, thạc sĩ với gần 200.000 người.

Đây là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động quý II do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 17/8 tại Hà Nội.

Hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp

Theo bản tin thị trường quý 2, tốc độ cải thiện chất lượng lao động nói chung là rất chậm, chỉ tăng 0,56% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhóm lao động trình độ đại học trở lên và nhóm cao đẳng nghề có sự gia tăng đáng kể. 

Đặc biệt, số người thất nghiệp nhiều nhất nằm ở nhóm trình độ đại học trở lên, tiếp đến là cao đẳng chuyên nghiệp và trung cấp chuyên nghiệp. Nhóm lao động bằng trung cấp có nhu cầu tìm việc làm nhiều nhất, tiếp theo là nhóm có trình độ cao đẳng và đại học trở lên.

Gần 200.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. (Nguồn: TTXVN)

Nhóm có trình độ chuyên môn như kế toán - kiểm toán, quản trị kinh doanh, nhân sự... có số lượt người tìm việc nhiều nhất. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung vào các công việc lao động phổ thông, chăn nuôi, cơ khí chế tạo, bán hàng, nhân viên kinh doanh, dệt may, điện tử...

Nên thay đổi nhận thức thanh niên

Lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, đặt ra bài toán cần phải đổi mới đào tạo tương ứng với nhu cầu tuyển dụng thực tế của thị trường lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp thừa nhận, nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp sản xuất cao, trong khi đó lao động có trình độ cao đẳng, đại học lại ít. Đây thực sự là thực trạng của thị trường lao động.

“Hiện nay, lao động có trình độ kỹ thuật trong những nhóm quản trị kinh doanh, kinh tế đang thừa và có tỷ lệ thất nghiệp cao, trong khi thị trường lao động lại đang thiếu lao động kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, công nhân lành nghề trong các nhà máy” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Theo ông Diệp, về vấn đề thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ, cần phải có sự kết hợp của các bộ ngành, phải thay đổi nhận thức của thanh niên trước ngưỡng cửa vào giáo dục chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng.

“Đặc biệt, các nhà quản lý phải có dự báo để đổi mới kế hoạch hóa giáo dục đào tạo tương ứng với nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, hiện nay các trường vẫn chưa tự chủ được vấn đề này mà tuyển sinh theo... số lượng giảng viên, diện tích trường học và kinh phí” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

 

(tổng hợp)