📞

Gắn bó như “những thành viên trong gia đình”

08:00 | 28/10/2016
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và Phu nhân (từ 26-28/10), Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương đã có cuộc trao đổi với TG&VN.

Là Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam vừa mới nhận nhiệm vụ tại Myanmar, Đại sứ có thể chia sẻ ấn tượng của mình về một đất nước Myanmar đổi mới, đặc biệt sau một năm bầu cử và thành lập chính phủ mới?

Myanmar đang chứng kiến nhiều thay đổi đáng kinh ngạc. Đời sống của người dân được cải thiện nhanh chóng và rõ rệt. Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Myanmar trải rộng khắp các lĩnh vực, từ tài chính đến khách sạn, chế biến thực phẩm, công nghệ tri thức, du lịch… Những thay đổi này thể hiện sự nỗ lực lớn của Chính phủ mới, tuy non trẻ nhưng năng động - cố gắng thúc đẩy đoàn kết dân tộc và thực hiện cải cách từ chính sách đến cơ chế, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng vĩ mô.

Chính phủ Myanmar cũng bước đầu có được thành công trong việc thực hiện một chính sách đối ngoại tạo dựng hình ảnh đất nước Myanmar như một điểm kết nối chiến lược giữa Trung Quốc, Ấn Độ với Đông Nam Á, cửa ngõ của 3 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trên bản đồ, Myanmar giống như một ngọn lửa và đất nước này thực sự đang tràn đầy năng lượng.

Đại sứ Luận Thùy Dương gặp Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, bà Aung San Suu Kyi.

Myanmar thực sự có nhiều tiềm năng. Con người Myanmar chân thành, giữ chữ tín, có ý thức tuân thủ pháp luật, có lòng tự tôn dân tộc và ý chí quyết tâm mạnh mẽ. Đất nước Myanmar rộng lớn và giàu tài nguyên. Dù xuất phát điểm chậm hơn so với nhiều nước trong khu vực, với sự chuyển biến mạnh mẽ ở trong nước cũng như sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Myanmar sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng.

Theo Đại sứ, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Htin Kyaw lần này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của quan hệ hai nước?

Việt Nam và Myanmar đã hình thành vững chắc mối quan hệ lịch sử, truyền thống và hữu nghị. Sau khi Myanmar thành lập chính phủ mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam sang thăm Myanmar (từ 28/9 – 1/10) và Tổng thống Htin Kyaw sẽ là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Myanmar sang thăm Việt Nam. Các chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong giai đoạn mới, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ mới ở cả Myanmar và Việt Nam.

Với nền tảng quan hệ vững chắc, cùng những cam kết thúc đẩy hợp tác trên những lĩnh vực cụ thể, hoàn toàn có thể tin tưởng quan hệ Việt Nam – Myanmar từ nay sẽ phát triển nhanh chóng tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Theo Đại sứ, chính phủ và doanh nghiệp hai bên cần phải có những bước đi nào để thúc đẩy hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại-đầu tư giữa hai bên?

Trên thực tế, Myanmar đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, như vị trí địa lý khá đắc địa, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nguồn lao động giá rẻ… Các doanh nghiệp muốn làm ăn ở Myanmar sẽ phải đối diện với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Thứ nhất, tỷ giá biến động mạnh. Thứ hai, Myanmar thiếu một hệ thống ngân hàng phù hợp. Thứ ba, hệ thống pháp lý chưa đồng bộ và xây dựng một hệ thống pháp lý tốt có thể mất thời gian dài. Thứ tư, hàng loạt các tài sản tăng giá mạnh, chỉ trong vài tháng qua, giá bất động sản đã tăng đáng kể. Thứ năm, cơ sở hạ tầng của nước này cũng như các hệ thống tiện ích đang trong tình trạng cần phải cải tạo. Sự yếu kém về đường sá, cảng biển, tình trạng thiếu điện, trong khi đầu tư hạ tầng cũng rất tốn kém và cần nhiều thời gian, đang là những vấn đề lớn tại Myanmar.

Vì thế, để thúc đẩy thương mại-đầu tư, Myanmar phải có  các đạo luật mới hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và đảm bảo các luật này được thực thi hữu hiệu. Myanmar nên hỗ trợ Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, hội nghị để doanh nghiệp và người dân hai nước có thể kết nối và hợp tác với nhau.

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Myanmar cần tìm hiểu kỹ thị trường, tuân thủ pháp luật và luôn nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam cũng cần rà soát lại các dự án đầu tư, không dàn trải và cần có ưu tiên, có trọng điểm.

Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Myanmar, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar, Hội hữu nghị Việt Nam -Myanmar... là những cơ chế hỗ trợ hợp tác rất tốt. Các cơ chế này cần đẩy mạnh hơn sự giao lưu và kết nối giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước.

Cựu Tổng thống Thein Sein từng khẳng định Việt Nam là người bạn, đối tác tin cậy số 1 của Myanmar trong ASEAN và khu vực. Nhận định của Đại sứ về sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và toàn cầu?

Thời gian qua, hai nước thường xuyên duy trì việc trao đổi thông tin, luôn thể hiện là đối tác, bạn bè tin cậy, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế (đặc biệt là ASEAN và LHQ). Hợp tác song phương tại các diễn đàn đa phương đã được khẳng định và chắc chắn sẽ ngày càng tăng cường dựa trên nhiều cơ sở.

Thứ nhất, hai nước đều thực hiện chính sách mở cửa, luôn ủng hộ nhau hội nhập vào khu vực và thế giới. Thứ hai, cả hai đều coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào sự hợp tác và đoàn kết của ASEAN. Hai nước đều đề cao sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như trên thế giới. Thứ ba, hai nước cùng có các lợi ích về an ninh, kinh tế và môi trường nên cần phối hợp với nhau tại các diễn đàn khu vực như GMS, ACMECS... Ngoài ra, quan trọng nhất là hai  nước có sự tin cậy lẫn nhau rất cao, do vậy có thể trao đổi, hỗ trợ nhau hiệu quả tại các diễn đàn đa phương.

Cần nhấn mạnh rằng, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại thủ đô Vientiane (Lào) vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, bà Aung San Suu Kyi. Bà Aung San Suu Kyi đã chia sẻ chân thành rằng hai nước có quan hệ hợp tác gắn bó như "giữa các thành viên trong một gia đình", đồng thời bày tỏ mong muốn phát triển sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp này, đóng góp vào hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Xin cảm ơn Đại sứ.